Tập trung bảo vệ rừng qua thời kỳ cao điểm

05/05/2024 - 17:46

 - Chiều 5/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì hội nghị ở điểm cầu An Giang.

Hội nghị tại điểm cầu An Giang

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, nghị quyết nhằm tăng cường quản lý nhà nước về rừng, phát huy đa dạng sinh thái rừng, mở rộng khai thác giá trị rừng; tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương, việc quản lý, phòng cháy, chữa cháy rừng là trách nhiệm của địa phương, Trung ương chỉ hỗ trợ về nguồn lực đầu tư, thể chế, cơ chế, chính sách. Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; chuẩn bị sẵn sàng “4 tại chỗ”, rà soát lại các phương án, kịch bản, nếu không còn hợp lý phải điều chỉnh. Đồng thời, chăm lo cho lực lượng kiểm lâm, công tác bảo vệ, phát triển rừng; ứng dụng công nghệ (flycam, cài đặt phần mềm tuần tra rừng cho cán bộ kiểm lâm...) trong bảo vệ, theo dõi rừng...

Theo công bố hiện trạng rừng của 60 tỉnh, thành phố, tổng diện tích rừng cả nước có hơn 14,86 triệu ha (rừng tự nhiên 10.129.751ha; rừng trồng 4.730.557ha); tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng trên phạm vi cả nước (giảm 597 vụ so năm 2022), diện tích rừng bị tác động 1.047,8ha; xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5ha.

Ghi nhận 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động 182,2ha (giảm 75,7ha); xảy ra 89 vụ cháy rừng, ảnh hưởng 498ha rừng, chủ yếu là diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân do nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng... đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng.

Dự báo từ ngày 11 - 16/5/2024, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng, với mức nhiệt độ cao nhất 36 - 39oC, có nơi trên 40oC; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, có thể xuất hiện đợt nắng nóng với nhiệt độ 35 - 38oC, ít mưa. Nguy cơ cháy rừng trong giai đoạn đến nửa cuối tháng 5 ở mức cao. Giai đoạn từ nửa cuối tháng 5, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa chuyển mùa, nguy cơ về cháy rừng sẽ giảm dần.

Quang cảnh họp trực tuyến

Tại An Giang, diện tích đất có rừng đến ngày 31/12/2023 là 13.805,8ha (rừng tự nhiên 1.117,5ha, rừng trồng 12.688,3ha), trong đó diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ độ che phủ toàn tỉnh là 12.905,2ha, tỷ lệ độ che phủ 3,65%.

Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn An Giang xảy ra 32 vụ cháy trong phạm vi quy hoạch đất lâm nghiệp, tổng điện tích bị cháy gần 63,83ha, diện tích bị thiệt hại là 10,7ha, với các diện tích rừng trồng, cây bụi và cây tái sinh trên diện tích bị cháy. Nguyên nhân cháy nghi do việc sử dụng lửa bất cẩn hoặc cháy vật liệu nổ do chiến tranh để lại. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm lịch ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô, đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.

NGÔ CHUẨN - TRỌNG TÍN