Ngày 12/2, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đến thăm đồng, chúc Tết tại các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân tại huyện Thoại Sơn, nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024. Qua đó, nắm bắt tình hình dịch hại, sản xuất, liên kết tiêu thụ vụ đông xuân 2023 - 2024 và động viên nông dân sản xuất thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Để vụ đông xuân đạt thắng lợi, ngành nông nghiệp An Giang đã khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch…
Vụ lúa đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, ngành nông nghiệp huyện Thoại Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, khuyến cáo bà con nên gieo sạ tập trung, nắm chắc diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng ngừa dịch hại; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, bón phân theo so màu lá lúa và phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”. Đặc biệt, khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng nắm tình hình sâu bệnh, để bảo vệ sản xuất sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đến thăm đồng ở Thoại Sơn
Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thoại Sơn Dương Quốc Trung cho biết: “Thời điểm hiện tại, nông dân đã xuống giống vụ đông xuân được 37.986ha, đạt 100% kế hoạch. Phần lớn diện tích đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ, chín. Đã thu hoạch 10ha (xã Phú Thuận), năng suất 7,6 tấn/ha, giá bán 8.400 đồng/kg. Vụ đông xuân 2023 - 2024 sản xuất các giống lúa chủ yếu: OM18 (17,18%); OM5451 (24,98%); Đài Thơm 8 (15,43%); IR50404 (9,90%); OM380 (8,99%); OM34 (8,95%); các giống khác (4,57%)”.
Theo ngành nông nghiệp huyện Thoại Sơn, dựa trên dự báo tình hình dịch hại sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cần lưu ý một số giải pháp trong công tác quản lý, phòng trừ dịch hại. Cụ thể, bà con nông dân cần thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để kịp thời phát hiện sớm dịch hại, đặc biệt chú ý các bệnh do vi khuẩn (cháy bìa lá, sọc lá vi khuẩn, vàng lá chín sớm, vàng sinh lý…) và nên lựa chọn thuốc có các hoạt chất đặc trị.
Đối với rầy nâu, không nên phun ngừa, chỉ phun rầy nâu khi mật số trên 3 con/dảnh lúa, phun khi rầy nâu 2 - 3 tuổi. Đối với rầy phấn trắng (bọ phấn), khi thấy bọ phấn xuất hiện với mật số cao (khoảng 15 - 20 con/tép hoặc 5 ấu trùng/lá) có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật (pha thêm chất bám dính) có trong danh mục thuốc được sử dụng tại Việt Nam để phun trừ. Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạ vòi phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng. Chú ý, rầy sẽ gây hại nặng ở những ruộng bị khô hạn, thiếu nước.
Dự báo, thời tiết giai đoạn này sương mù nhiều, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, là điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật gây hại phát triển và gây hại nặng trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ, nhất là bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, đốm vằn, vàng lá chín sớm, rầy nâu. Theo thông tin từ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thoại Sơn về tình hình sâu bệnh, các đối tượng hiện nhiễm: Sâu cuốn lá: 632ha, mật số 10 - 20 con/m2, tuổi sâu 1 - 2 - 3; đạo ôn lá: 320ha, cấp bệnh 1 - 3, tỷ lệ 5 - 10%; cháy bìa lá: 389ha, cấp bệnh 1 - 3, tỷ lệ 5 - 10%;…
Nông dân Võ Văn Thanh (ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang) đang trồng hơn 7ha giống OM380 cho biết: “Chúng tôi ra ruộng từ mùng 5 Tết. Tranh thủ thời tiết ấm áp, mọi người ra đồng chăm sóc lúa, điều tiết nước để cây lúa phát triển nhanh. Đối tượng rầy phấn trắng xuất hiện gây hại trước Tết, nông dân đã phòng trừ kịp thời. Sau Tết, lúa dễ bị nhiễm rầy nâu nên cần tranh thủ thăm đồng phát hiện sớm để phòng trừ. Gần đến ngày thu hoạch, chúng tôi dồn sức chăm sóc để vụ này đạt năng suất cao”.
Việc chăm sóc lúa đông xuân sau Tết vừa hạn chế sâu bệnh gây hại và tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết ở giai đoạn then chốt. Do đó, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo những bệnh có thể phát sinh và cách phòng trừ. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp, ngành trong huyện và không khí ra đồng chăm sóc lúa ngay từ những ngày đầu năm, nông dân huyện Thoại Sơn hy vọng về một vụ mùa thắng lợi.
PHƯƠNG LAN