Tập trung tháo gỡ khó khăn, chống đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động

15/10/2021 - 19:27

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị chính quyền các địa phương và ngành công thương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại Hội nghị trực tuyến khối công thương địa phương với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra chiều nay (15/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị chính quyền các địa phương và ngành công thương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm chống đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động.

Người đứng đầu ngành Công Thương đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó chú trọng thị trường trong nước; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu nhất là vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên Đán năm 2022; triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh; tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm… cũng như rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 9 tháng qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khối công thương địa phương không chỉ đảm bảo cung - cầu hàng hoá thiết yếu cho các hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2021, đã có 48/63 địa phương có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 41/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 4,1%).

Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty CP thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang ở KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, có 44/63 địa phương có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 57/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước giảm 7,1%.)

Đáng chú ý, có 54/63 địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trong đó 31/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước.

Theo ĐỨC DUY (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích