Tập trung triển khai Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

16/07/2019 - 19:48

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tế để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra.


Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. (Nguồn: TTXVN)

Trên cơ sở Nghị quyết số 84/2019/QH14 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ.

Quyết liệt kiểm soát dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua, bám sát tình hình thực tế để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019.

Thủ tướng yêu cầu giải quyết kịp thời các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy ở các địa phương, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết liệt kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý có hiệu quả các vấn đề gây bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương chỉ đạo triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các luật như: Luật Quy hoạch; các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Xử phạt nghiêm trường hợp sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cần tăng mạnh chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương năm 2018 số tiền 2.433 tỷ đồng theo danh mục kèm theo Tờ trình số 09/TTr-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ. Số kinh phí chưa giải ngân trong năm 2018 được sử dụng hết niên độ ngân sách năm 2019; thực hiện giải ngân đến hết niên độ ngân sách năm 2019 đối với số kinh phí 196,45 tỷ đồng còn dư đến ngày 31-1-2018 của dự án đóng mới và sửa chữa nâng cấp tàu kiểm ngư theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 ngày 9-6-2014 của Quốc hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) năm 2019 cho tỉnh Hà Tĩnh hơn 817 triệu đồng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Canada để thực hiện dự án “Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh."

Về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương; một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án, trên nguyên tắc bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách hằng năm, bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền (riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội) và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (nếu có).

Các bộ, cơ quan bảo đảm quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội (số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016, số 71/2018/QH14 ngày 12-11-2018), các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư công, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại các văn bản: số 88/UBTVQH14-TCNS ngày 3-3/2017, số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26-4-2017, số 2167/TTKQH-TCNS ngày 16-8-2018, số 2712/TB-TTKQH ngày 24-4-2019, số 2740/TB-TTKQH ngày 15-5-2019, số 2850/TB-TTKQH ngày 31-5-2019); khắc phục những hạn chế, bất cập được nêu trong các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về việc sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công.

Các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn trả nợ cho các dự án, công trình đã hoàn thành, các dự án đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đang dở dang còn thiếu vốn, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, số còn lại phân bổ cho các dự án mới và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV(tháng 10-2020).

Theo TTXVN/Vietnam+