Tập trung vào tăng trưởng kinh tế

09/07/2020 - 20:07

 - Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mục tiêu tăng trưởng bình quân 7%/năm của giai đoạn 2016-2020 khó đạt được. Tuy nhiên, An Giang vẫn nỗ lực phấn đấu để đạt mức tăng trưởng từ bằng đến cao hơn bình quân cả nước, đặc biệt là năm 2020 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Thực hiện tốt "nhiệm vụ kép"

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi cả tỉnh đang bắt tay vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) thì cũng là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam cũng xuất hiện một số cas nhiễm. Dù nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn tập trung lãnh đạo, điều hành theo hướng hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế có khả năng phát triển, đồng thời duy trì tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp sức người nghèo, người lao động, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, ước tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 của An Giang tăng khoảng 1,96%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,51%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,69%, riêng khu vực dịch vụ tăng trưởng âm (-0,77%). Tuy đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so cùng kỳ 2019 (5,76%) và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, cao hơn bình quân cả nước (GDP 6 tháng tăng 1,81%). “Việt Nam được xem là 1 trong số ít nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh COVID-19. 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 12 tỉnh tăng trưởng âm, trong đó có 4 tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cà Mau). Tốc độ tăng trưởng của An Giang cao hơn bình quân cả nước và đứng thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là kết quả chấp nhận được” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá.

An Giang tận dụng lợi thế xuất khẩu gạo

Khi du lịch đóng cửa, các ngành dịch vụ gần như không hoạt động thì nông nghiệp đã tập trung phát huy những ngành hàng lợi thế, nhất là lúa, gạo, trong khi lĩnh vực công nghiệp - xây dựng vẫn nỗ lực hoạt động. Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ DN, thu hút đầu tư của tỉnh đã khuyến khích thêm DN thành lập mới cũng như tạo động lực cho các nhà đầu tư đến với An Giang. 6 tháng đầu năm 2020, có 399 DN thành lập mới và 226 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, tổng số vốn đăng ký 2.908 tỷ đồng, 7,27% số DN và tăng 12,93% số vốn so cùng kỳ 2019. Trong khi đó, chỉ có 56 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 15,15% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 28 dự án đăng ký đầu tư mới (1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; 27 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký khoảng 6.893 tỷ đồng, tuy giảm 8 dự án so cùng kỳ 2019 nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng lại tăng đến 73,3% (tăng 2.915 tỷ đồng). Kết quả này cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư đối với An Giang dù dịch bệnh COVID-19 đang tác động không nhỏ đến DN.

Phấn đấu không thấp hơn bình quân cả nước

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của kỳ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2016-2020), cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. “Do nhiều yếu tố, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 chắc khó đạt được (tăng trưởng GRDP bình quân 7%/năm). Tuy nhiên, toàn tỉnh phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ bằng đến cao hơn bình quân cả nước, tạo đà cho nhiệm kỳ tiếp theo” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

An Giang đang phục hồi khai thác du lịch nội địa

Bên cạnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 đạt kết quả cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. “Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có thể phải đến cuối năm 2022, thế giới mới khống chế được đại dịch COVID-19. Cả tỉnh phải cùng với Chính phủ kiên quyết cùng với Chính phủ không để dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, duy trì môi trường an toàn để tập trung phát triển KTXH, đón làn sóng đầu tư. Do vậy, cần tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là kiểm soát tốt tuyến biên giới” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị.

Về các nhiệm vụ phát triển KTXH, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung bảo vệ thu hoạch an toàn vụ hè thu và triển khai tốt kế hoạch xuống giống vụ thu đông 2020. “Ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương khảo sát lại hệ thống đê bao, phải đảm bảo ăn chắc mới xuống giống. Dự báo nhu cầu lương thực thế giới vẫn còn cao, cần tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu gạo để đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh” - ông Bình lưu ý. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành nông nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, triển khai nhanh kế hoạch tái đàn heo, mời gọi DN đầu tư mạnh vào nông nghiệp…

Đối với các sở, ngành liên quan, cần tiếp tục các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, nghiên cứu cơ chế giúp nhà đầu tư tiếp cận đất đai thuận lợi… Song song đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư các công trình giao thông trọng điểm phục vụ phát triển du lịch; kịp thời giải quyết các kiến nghị, bức xúc của người dân.

“Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách từng khối, lĩnh vực tiếp tục theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển KTXH. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hàng tháng họp với các chủ đầu tư thuộc lĩnh vực mình phụ trách để đánh giá tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý chủ đầu tư, nhà thầu chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, đề xuất chuyển vốn từ các dự án triển khai chậm sang các dự án cấp thiết hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN