Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Hàng hóa Tết dồi dào nhưng sức mua yếu

05/02/2021 - 19:08

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách hàng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại ít hơn hẳn mọi năm, giá cả các mặt hàng phục vụ Tết nhiều nơi giảm mạnh so với năm trước.

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau xanh, củ quả tươi, cũng như hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào do các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại có giảm hơn so với những năm trước.

Hàng hóa dồi dào

Để tạo nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, kết nối cung cầu, yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đảm bảo bình ổn giá cả.

Năm 2021, Hà Nội đã trự dữ hàng hóa với lượng tăng trung bình từ 7-22% so với kế hoạch Tết 2020, cùng với đó là các chương trình khuyến mại cụ thể.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như hàng khô, các loại quả- hạt khô phục vụ Tết, quần áo, các mặt hàng khác…

Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, lượng hàng hóa đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, hàng Việt Nam chiếm 80% lượng hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị, phía Công ty cũng cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân.

Năm 2021, sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, phía công ty kỳ vọng doanh thu bán hàng Tết sẽ tương đương năm ngoái.

Tùy theo ngành nghề kinh doanh, các cửa hàng, địa điểm kinh doanh, Tổng công ty sẽ mở cửa phục vụ muộn nhất đến 21 giờ 30 ngày 30 Tết.

Từ mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường.

Khảo sát tại một số siêu thị, trung tâm thương mại cho thấy, lượng khách hàng tham quan, mua sắm cũng không mấy tấp nập như mọi năm.

Người dân mua sắm tại siêu thị Hapro Khâm Thiên. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo một số đại diện các siêu thị, lượng khách giảm là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khách hàng vì ngại tiếp xúc nên ít đến siêu thị mua sắm hơn.

So với mọi năm thì năm nay lượng khách giảm nhiều. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, các siêu thị luôn nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn.

Tại các chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối như Kim Liên (Đống Đa), chợ Thành Công (Ba Đình), chợ gốc Đề (Hoàng Mai), chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)…, giá cả, thực phẩm những ngày này gần như không có nhiều biến động, thậm chí còn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Giá gà sống tại các chợ dân sinh như gốc Đề, Kim Liên, Thành Công hiện ở mức 110.000-120.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 110.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn hiện đang ở mức 140.000-160.000 đồng/kg tùy loại; giá thịt bò ở mức 220.000-270.000 đồng/kg tùy loại.

Hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách, tuy nhiên, giá cả khá mềm. Hoa hồng giá từ 4.000-5.000 đồng/bông; hoa cúc 3.000- 4.000 đồng/bông; cành đào nhỏ khoảng 50.000-60.000 đồng/cành; hoa ly 15.000 đồng/cành 3 tai.

Các loại trái cây cũng khá phong phú về giá cả.

Cụ thể, phật thủ có giá từ 30.000-100.000 đồng/quả tùy loại; thanh long ruột trắng từ 13.000-30.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 25.000-35.000 đồng/kg; quýt Sài Gòn 20.000-35.000 đồng/kg, vú sữa 30.000-45.000 đồng/kg, bưởi diễn năm nay khá rẻ chỉ khoảng 15.000-30.000 đồng/quả; giá dưa hấu 8.000-20.000 đồng/kg tùy loại; cau tươi thắp hương khoảng 10.000-12.000 đồng/quả.

Năm nay, do thời tiết thuận, nên giá rau xanh khá thấp, xu hào 3.000-4.000 đồng/củ; súplơ xanh và trắng khoảng 5.000-7.000 đồng/cái, cà rốt 5.000-7.000 đồng/kg, khoai tây 10.000-15.000 đồng/kg, cải cúc 3.000-4000 đồng/mớ, …

Theo nhiều tiểu thương ở chợ 8/3, do dịch COVID-19 nên lượng tiêu thụ giảm hơn và người dân cũng có xu hướng giản tiện hơn trong việc mua sắm thực phẩm cho Tết.

Đẩy mạnh bán hàng online

Theo Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa, kể cả trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.

Để tạo nguồn cung cho chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Yên Bái... tổ chức các chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu kết các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định

Vì vậy, Sở Công Thương các địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Hơn nữa, Ủy ban Nhân dân tỉnh một số tỉnh, thành phố đã có chủ trương huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, hội chợ hàng nhu yếu phẩm thiết yếu (Yên Bái, Đồng Tháp), cung ứng, vận chuyển hàng Tết miễn phí cho người dân ở các vùng hải đảo, miền núi tại Kiên Giang, Bình Thuận.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh : Trần Việt/TTXVN)

Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

Do đó, hàng hoá được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai chuẩn bị sớm và dồi dào, tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

Đến nay, tổng giá trị hàng dự trữ của các doanh nghiệp tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online.

Để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn bán lẻ BRG đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite.

Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite...

Các doanh nghiệp phân phối cũng đẩy mạnh chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực.

Trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2-3 giờ; đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội thực hiện chương trình bình ổn thị trường bắt đầu từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2021; trong đó, có cả kế hoạch phục vụ tết năm 2021.

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa, thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ Công Thương, phối hợp với các sở ngành liên quan tham gia thực hiện.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, Sở cũng khuyến khích mua sắm online.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, chủ động hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết...

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, mặc dù, vẫn có yếu tố khó dự đoán do dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước khiến ngành chăn nuôi lợn vẫn gặp rủi ro, tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2021 khó xảy ra tình trạng thịt lợn khan hàng, sốt giá vì hiện tại nguồn cung lợn khá dồi dào.

Theo NAM GIANG - UYÊN HƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích