Tết quê, một thuở…

13/02/2024 - 09:19

Tôi được mẹ sinh ra nơi mảnh làng thoi thót lở bồi trồi sụt bên bờ sông Lam phía hữu ngạn, thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trừ khi lụt lội, còn thì quanh năm mặt sông biêng biếc tựa màu da trời. Sông bồi đắp phù sa, tạo nên cánh bãi ngờm ngợp tốt tươi. Làng không có ruộng liền thổ nhưng đất đai màu mỡ nên mùa nào thức ấy. Nào chanh cam, bưởi, quýt, nhãn, hồng, nhất là giống chanh hoàng niên, quả to, vỏ mỏng, nước mọng và rất thơm. Rau màu, ê hề ngô khoai, đậu đỗ. Rồi bạt ngàn ruộng mía. Ngày trước, cữ giáp Tết, cả làng vào mùa kéo mật. Khắp ngõ dưới, thôn trên đều nưng nức mùi mật mía. Vậy nhưng khi tôi còn bé, càng về cuối năm, người lớn thường lo đến bạc mặt cho cái Tết. Dần dà tôi mới hiểu cái câu: "Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo".

Không hiểu sao ngày ấy mùa đông chừng như dài hơn thì phải? Thời tiết trở nên hanh hao, cóng rét, thất thường. Rồi mưa phùn, gió bấc, đường sá trơn như đổ mỡ. Vòm trời u ám, xám ủng. Cây cối thi nhau rào rào trút lá, hàng xoan gầy guộc chỉ còn trơ lại những cành khẳng khiu, nom thương lắm. Cứ sau mỗi trận lụt, su hào, bắp cải, rau diếp, cải thìa, cải xanh, hành ngò… mướt mát xanh, bất chấp giá lạnh.

Rồi gió mùa Đông Bắc tràn về, lạnh tái tê, rét từ trong ruột cuộn ra. Có manh áo tấm quần cũ vá chằng vá đụp người ta cũng mặc, bởi vải càng dày thì càng ấm. Ngắm chiếc áo bông chần ô quả trám, cũ sờn, bợt bạt của người già, mới thấy thương, thấy tội. Vậy nhưng đâu phải dễ ai cũng có. Hễ ra đường là bà con khoác áo tơi dày cộm để gió khỏi xô ngã. Những cặp chân trần mốc thếch, tóp teo lồ lộ trong làng, ngoài ruộng. Có lẽ đó là những nét không thể giấu vào đâu của một thời khốn khó, đói ăn, thiếu ấm.

Quanh năm, thức ăn chủ lực là dưa cà, nhút; còn mặc thì phong phanh, nên lũ trẻ thôn quê thời ấy chỉ mong mỗi dịp nhà có giỗ chạp hay Tết đến, nào biết đâu để có được một cái Tết đúng nghĩa thì mẹ tôi đã phải lo đến thắt cả ruột gan. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu tháng chạp, mặc dù đương bận rộn cắm mặt ngoài đồng xa, lo cấy đuổi cho xong vụ đông xuân, rét cóng tay chân, bầm tái, nhưng về đến nhà, thấy mẹ ngồi thừ ra trên bậu cửa, mắt nhìn xa xăm, đăm chiêu nghĩ ngợi.

Để có được một cái Tết tươm tất thì mọi thứ phải được chuẩn bị từ sớm theo kiểu "kiến tha lâu đầy tổ". Từ giêng hai, lắm gia đình đã tính chuyện nuôi heo, gây đàn gà, vịt.

Thời kháng chiến chống Mỹ, quanh năm ngày tháng sống dưới tầm bom rơi đạn vãi, việc lo Tết bị hạ xuống hàng thứ yếu. Nhưng nói gì thì nói, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì dân làng tôi khi đó cũng không ai viện cớ dám phó mặc rồi bỏ bê chuyện hệ trọng. Bởi Tết Nguyên đán là dịp khép lại năm cũ, mở đầu cho một năm mới, nên bao giờ nó cũng hết sức thiêng liêng và in đậm trong tâm thức mỗi người Việt, cho dẫu họ có ở tận chân trời góc biển nào đi chăng nữa!

Nhưng nỗi lo cơm áo luôn đè nặng lên đôi vai của phụ nữ. Này nhé, ngoài phần "cứng" là khoản cây con "nhà trồng được" thì mỗi lần đi chợ phiên, mẹ tôi phải khởi động việc tích cóp hàng Tết dần từ độ tháng mười âm lịch, chứ không đợi vô một - chạp mới mua. Bà cứ lẳng lặng sắm dần. Có khi gồng một gánh rau, củ, quả trĩu trịt ra chợ, chỉ thu được một nắm tiền lẻ nhàu nát, chả dám mua đồng quà tấm bánh cho con, nhưng bao giờ cũng nhớ liễn trầu xanh óng, mấy quả cau với khúc rễ chay về cho mẹ chồng. Đến giữa tháng chạp, khi mọi thứ đã hòm hòm đâu vào đấy, mẹ tôi vẫn còn lẩm nhẩm kiểm đếm xem còn thiếu thức gì để bổ sung trong phiên chợ cuối năm. Chỉ lựa mua vài bó lá dong với ống giang chẻ lạt gói bánh, gói giò, thêm ít hương trầm nữa là đủ.

Kiểu gì thì ba ngày Tết cũng phải có nồi măng hầm chân giò, đây là món chủ lực. Sau khi mổ lợn, có thịt làm nhân, ướp gia vị xong, mẹ tôi hong đậu xanh lòng rồi lấy ra vo từng nắm tròn nhỏ, cha tôi trải nong ra giữa nhà bắt đầu gói. Chẳng cần khuôn, ông gói bộ vậy mà mười chiếc như một chục, thảy đều vuông thành sắc cạnh và chắc khừ. Xếp chúng lên nhau nom đến là thích mắt. Bao giờ ông cũng gói thêm một vài cái bé tẹo, gọi là bánh "đầu đày" dành cho lũ trẻ chầu rìa được nếm ngay khi nồi bánh chín. Chập tối hăm chín thì kiếm ba hòn đá to, quây chắn gió rồi chất củi gộc, nhóm bếp, bắc nồi bánh chưng. Lửa hực suốt đêm, cánh đàn ông con trai thay nhau canh nồi bánh sôi sùng sục, vừa để châm nước thêm vừa gạt than bắc ké nồi măng ra bên cạnh. Tới canh ba thì rút bớt củi, chừng hơn một giờ sau thì mới vớt bánh. Đem nhúng nhanh vào chậu nước vừa múc ở giếng lên, lấy ra xếp lên bàn, kiếm miếng ván đậy lại, rồi chất cối đá hay vật nặng bên trên để ép bánh cho rốc nước, có vậy thì bánh chưng mới rền. Chiều 30 đã có bánh sắp lên thờ gia tiên và cúng tất niên. Cái nếp ấy, thời yên hàn hay cả lúc giặc giã chiến tranh vẫn vậy.

Gói bánh chưng đi liền với giã giò để kịp bắc nồi luộc. Món này chỉ đàn ông lực lưỡng, khỏe tay mới làm nổi. Thịt nạc sau khi lọc hết mỡ, thái quân cờ cho vào cối đá, rắc tiêu, rồi quết. Hai tay, hai chày gỗ, cứ thi nhau giã thùm thụp liên hồi kỳ trận, tới lúc thịt nhuyễn sánh, dẻo thì dừng. Véo một chút đưa lên mũi, ngửi mùi thơm là được. Quê tôi, khi giã giò, thường người ta hay cho thêm ít bột nếp, bột gạo trộn đều, để khi quết thịt tăng thêm độ dẻo, độ dính. Có dạo, tôi cứ thắc mắc, nghĩ hay tại quê mình nghèo nên độn thêm vào giò cho nhiều chăng? Tôi lấy làm lạ, hỏi thì cha tôi lắc đầu bảo không phải như con nghĩ đâu. Đói no chi cũng ba bữa Tết, chẳng lẽ ngả cả con lợn vài chục cân, lại thiếu thịt hay sao? Và sự thật, khi cầm miếng giò mịn màng đưa lên miệng nhấm nháp, đọng lại nơi cần cổ, có đủ dư vị thơm, bùi, béo ngậy... và dai.

Một cây giò nếu biết cách bảo quản thì có thể ăn được cả tuần vẫn không hề giảm hương vị. Hóa ra mỗi nơi người Việt bất kể giàu nghèo đều có một bí quyết riêng trong nghệ thuật ẩm thực.

Nhiều làng có tục chặt tre dựng cây nêu. Ba ngày Tết, nam thanh nữ tú chơi đu quay, ném vòng cổ vịt, hát hò đối đáp… Lũ nhóc, con trai mê đánh đáo, túi rủng rỉnh những đồng xu. Đám con gái lo diện quần áo mới, rủ nhau xem hát, xem hội. Ngày nay, kinh tế khấm khá, đời sống gấp bội lần xưa, tiếc là nhiều trò chơi dân gian cứ dần mai một. Quê hương không còn đóng khung trong quan niệm cũ là nơi chôn nhau cắt rốn nữa, mà ở đâu "đất lành chim đậu" thì ở đấy chính là quê mới.

Huyện Đức Thọ trước có 40 đơn vị hành chính, nay người phiêu tán khắp nơi, cư dân mỏng, địa bàn rộng, nên trên chủ trương nhập 2-3 xã thành một, để giảm bớt đầu mối. Và nỗi niềm thường trực với các bậc lão niên, mỗi khi Tết đến xuân về, là mong mỏi con cháu đi xa không bị thua chị kém em, song le không quên nguồn cội, không quay lưng với nếp của ông cha…

Theo NGUYỄN MINH NGỌC (Theo Báo NLĐ)