Thiệt thòi của học trò
Nhờ được sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và hỗ trợ của cộng đồng xã hội, học sinh ở cồn Phó Ba đến trường với đầy đủ tập, sách, dụng cụ học tập. Phụ huynh các em chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ, giăng câu, chài lưới, đưa đò, làm thuê.
Đa phần các em ở với ông bà do cha mẹ mưu sinh nơi xứ người hoặc vì “đường ai nấy đi”. Việc được yêu thương, quan tâm, chăm sóc từ vòng tay cha mẹ với nhiều em chỉ là mơ ước. Hiểu được hoàn cảnh từng em, giáo viên cố gắng vận động từ tập, sách đến quần áo, giày dép, giúp các em đến trường trong niềm vui, không cảm thấy tủi thân.
Cồn Phó Ba nằm trên sông Hậu cách TP. Long Xuyên khoảng 500m. Cũng thuộc thành phố, nhưng xứ cồn ấy không nhiều tiện nghi như những dãy nhà cao tầng bên kia sông.
“Ngoài 2 buổi đến trường, về nhà, các con chỉ quẩn quanh giữ em, trông nhà hoặc theo phụ ông bà, cha mẹ. Góc nhìn vỏn vẹn trên xứ cồn nên hạn chế phần nào khả năng tiếp thu bài học. Đơn cử với học sinh lớp 5, giáo viên ra đề tập làm văn tả về con trâu hay vui chơi ở công viên dịp cuối tuần, nhiều em sẽ khó thể nào miêu tả sinh động, bởi nhiều em chưa được “mục sở thị” thì không thể nào hình dung qua lời diễn tả của giáo viên. Thương các em, chúng tôi kiên trì, dành nhiều sự yêu thương hơn” - cô Huỳnh Lương Thị Ngọc Dung (sinh năm 1968, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, điểm 2) tâm sự.
Vượt qua nhiều khó khăn, giáo viên luôn nỗ lực truyền đạt tri thức cho học sinh ở cồn Phó Ba
Em Lê Thị Mỹ Hằng (lớp 5D, Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, điểm 2) hồn nhiên nói: “Ba mẹ làm công nhân ở xa, em ở nhà với ông bà nội. Sau giờ học, em ở nhà phụ ông bà chăm em. Đầu mỗi năm học, em đều được trường cho cặp, sách, đồng phục và thẻ bảo hiểm y tế. Em rất vui vì được các cô yêu thương, dạy dỗ. Em hứa sẽ cố gắng chăm, ngoan, học tốt để không phụ lòng các cô dạy bảo!”.
Tình thương của giáo viên
Hình ảnh các cô giáo trong tà áo dài thướt tha, tay xách nách mang cặp sách và dụng cụ phao nổi hay áo phao, đã không còn xa lạ với người dân ở khu vực bờ kè Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Hàng ngày, các cô phải đi sớm đến bến đò gửi xe đạp với phí 5.000 đồng/chiếc, chờ đò rồi lênh đênh hơn 15 phút trên sông mới đến lớp.
“Là giáo viên dạy ở xứ cồn, nhưng chẳng ai trong chúng tôi biết bơi. Sợ nhất là mùa nước nổi, ngồi trên con đò nhỏ, bồng bềnh vượt sóng gió mà trong lòng cứ thấp thỏm. Sợ là vậy, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ bỏ rơi học sinh. Lâu dần cũng quen, tình thương đã biến nỗi sợ ấy thành sức mạnh để bước chân lên đò vững chắc hơn” - cô Ngọc Dung chia sẻ.
Những khi nước ròng, bến sông trơ những gốc cây sần sùi, bãi đá lởm chởm. Nghĩ đến các cô hàng ngày vượt qua những con sóng khó đoán được buồn vui, mùa gió chướng thì dữ tợn, tôi thương lắm! 5 giáo viên (từ lớp 1 đến lớp 5) ở ngôi trường này đều là nữ.
Mỗi ngày, các cô phải tranh thủ chu toàn việc gia đình từ rất sớm để có mặt tại bến đò trước 6 giờ 30 phút, cùng nhau qua sông cho kịp giờ dạy học. Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi “có bao giờ nản chí và hụt hẫng khi về dạy ở xứ cồn không”, các cô đều khẳng định chắc nịch là “không”! Qua tâm sự, các cô cho biết, vì học sinh ở đây đã quá thiệt thòi, là giáo viên thì phải yêu thương các em nhiều hơn.
Là giáo viên dạy thể dục thể chất của Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, thầy Phan Văn Dụng cho biết, mỗi tuần, thầy chỉ qua dạy 2 ngày, còn lại là dạy ở điểm chính. Dù học ở xứ cồn nhiều thiếu thốn, nhưng các em rất ngoan, biết lắng nghe thầy cô. So với nhiều năm trước, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang hơn.
Nhưng, nhìn các cô vất vả ngày 4 bận ngược xuôi trên các chuyến đò, có cô ở lại nấu ăn, dạy xong buổi chiều mới về, thầy rất khâm phục sự chịu thương, chịu khó ấy. Còn với người dân cồn Phó Ba, họ luôn ví các cô ở đây như “người mẹ hiền” của học sinh. “Mấy đứa nhỏ ở đây quý các cô lắm. Không chỉ dạy chữ, các cô còn dạy lễ nghĩa, dạy trẻ biết kính trên, nhường dưới, yêu thương ông bà, cha mẹ” - ông Lê Anh Tuấn (65 tuổi, ngụ cồn Phó Ba) cho biết.
Vì yêu nghề, thương trẻ, nên các cô giáo giảng dạy ở cồn Phó Ba mới đủ sức bám trụ với nghề. Có người gắn bó với mái trường ấy hàng chục năm, quen mặt nhớ tên hết cả trăm học sinh của trường. Vượt qua nắng mưa trên con đò ngược sóng, các cô vẫn hàng ngày sang cồn giữa dòng sông Hậu để dạy chữ, mang ánh sáng tri thức cho học sinh và dạy dỗ các em nên người...
PHƯƠNG LAN