Thăm Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

17/05/2024 - 22:26

Mỗi độ tháng 5 về, đặc biệt vào Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), nhiều du khách và người dân tỉnh Đồng Tháp lại đến tham quan Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để cảm nhận và hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại, giàu lòng bác ái, nhân cách cao đẹp. Qua đó, mỗi người có thêm cơ hội học hỏi, làm cho mình trở nên tốt hơn trong cuộc sống.

Chú thích ảnh

Nhà sàn, ao cá Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). 

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích được tỉnh Đồng Tháp tu bổ, chăm lo hương khói trang nghiêm phần mộ, thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia với diện tích trên 9 héc ta. Ở đây có 2 công trình nổi bật là Nhà sàn Bác Hồ và Nhà Trưng bày hình ảnh của Bác Hồ.

Bà Võ Thị Tuyết Ngoa, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cho biết, trong những năm qua, bằng các nguồn vốn, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, Khu di tích đã triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Khu di tích đã trở thành điểm đến giàu cảm xúc cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử gắn với tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với những nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương.

Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), ngoài việc bảo tồn các di tích, hiện vật, Khu di tích còn trồng thêm nhiều sen trong ao cá trước khu Nhà sàn Bác Hồ, triển lãm hàng trăm bức ảnh sen của Đồng Tháp…; triển khai mô hình quét mã QR tại Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Bên cạnh đó, Khu di tích tiến hành trang trí, tôn tạo, bổ sung cụm tiểu cảnh; xây dựng bản đồ quy hoạch cây xanh, phát huy cảnh quan môi trường; đa dạng hình thức thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan.

Công trình Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng vào tháng 2/1990, khánh thành vào ngày 19/5/1990. Việc xây dựng mô hình Nhà sàn ở Đồng Tháp mang 2 ý nghĩa: Đồng Tháp muốn đưa Bác về cạnh ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và để nhân dân miền Nam không có điều kiện ra thăm nhà sàn của Bác ở Hà Nội khi đến đây cũng hình dung được Bác Hồ, một vị Chủ tịch nước đã sống và làm việc thế nào.

Chú thích ảnh

Du khách tham quan Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). 

Mô hình Nhà sàn tại Đồng Tháp được xây dựng theo tỷ lệ 1:1 từ kích thước, kiểu dáng cho đến các hiện vật đều được phục chế và trưng bày giống như Nhà sàn của Bác tại Hà Nội.

Chị Phan Thị Vũ Quyên (cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ, chiếc hộp gỗ màu đen được đặt ở ngăn trên cùng của giá sách trong phòng làm việc của Bác có lẽ là hiện vật để lại nhiều cảm xúc và dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng chị.

Bên trong chiếc hộp ấy, là câu chuyện về hai bức ảnh mà Bác vô cùng trân trọng, đó là bức ảnh chụp ngôi mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người cha thân sinh của Bác và ảnh Tiểu đoàn 311 trên đường ra viếng mộ cụ Phó bảng trước khi xuống tàu tập kết chuyển quân ra miền Bắc vào năm 1954. Khi đó, các chiến sĩ trong Tiểu đoàn 311 đã đem hai bức ảnh ấy ra Hà Nội gửi tặng Bác, đó chính là món quà vô cùng quý giá đối với Bác Hồ lúc bấy giờ. Vì thông qua hai bức ảnh ấy, Người biết được phần mộ - nơi an nghỉ của người cha kính yêu và hiểu thêm về tình cảm của nhân dân miền Nam dành cho Bác...

Trải qua 34 năm, mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong quần thể Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, tại thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp không chỉ là niềm tự hào của riêng nhân dân vùng đất Sen hồng Đồng Tháp, mà còn là niềm tự hào của nhân dân miền Nam. Mô hình không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng - nhân dân miền Nam “nhớ Bác”, mà còn là điểm đến tham quan, du lịch; một điểm nhấn trong hành trình “Về nguồn”; một “địa chỉ đỏ” có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với các thế hệ yêu kính Bác Hồ, nhất là đoàn viên, thanh niên.

Chú thích ảnh

Khách tham quan Nhà trưng bày Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Chị Phạm Thị Huyền Trân, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười cho biết, do chưa có điều kiện ra Hà Nội tham quan Nhà sàn Bác Hồ, chị lặn lội hơn 40 km đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh để tham quan mô hình này. Với chị Trân, các vật dụng của Bác đều mộc mạc, giản dị, tạo cho chị rất nhiều cảm xúc, dâng tràn tình cảm yêu mến và kính trọng Bác vô hạn.

Trải qua 34 năm xây dựng và hiện diện, đến nay, mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc…vẫn vẹn nguyên những giá trị nhân văn trong lòng người dân Đồng Tháp nói riêng, nhân dân miền Nam nói chung. Cùng với các hạng mục di tích khác, mô hình Nhà sàn Bác Hồ luôn đón đông đảo du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Nhất là trong những ngày tháng 5, bắt đầu vào kỳ nghỉ hè, trùng với dịp cả nước mừng ngày sinh của Bác, những cây hoa phượng đồng loạt trổ hoa đỏ rực trong khuôn viên, làm sáng rực một góc nhà sàn, soi bóng xuống ao sen phía trước làm cho hoa viên xung quanh mô hình Nhà sàn của Bác thêm lung linh sắc màu tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp níu chân du khách chụp ảnh lưu niệm.

Chú thích ảnh

Thiếu nhi thành phố Cao Lãnh tham quan khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

Riêng với người dân vùng đất Sen hồng Đồng Tháp, mỗi dịp đến tham quan mô hình Nhà sàn Bác Hồ là dịp để nhớ về một vị lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hằng năm, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đón hơn 200 ngàn lượt khách đến viếng, tham quan mô hình Nhà Trưng bày và Nhà sàn Bác Hồ. Trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay, các đoàn khách đến viếng, tham quan khu nhà sàn còn được tham quan Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam có diện tích 600 m2. Nơi đây trưng bày trên 200 hình ảnh, hiện vật, theo sáu chuyên đề nhằm phản ánh một cách hệ thống cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Theo TTXVN