Tháng 5 thương nhớ

13/05/2022 - 07:10

Ngày 19/5 đi vào trái tim của người Việt, như một lễ lớn về sự tri ân, lòng thành kính và ngưỡng vọng đối với vị cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác chẳng bao giờ đòi hỏi lợi ích riêng tư cho mình, huống chi là sinh nhật. Ngược lại, trong ngày sinh nhật, bác dành nhiều mong ước, kỳ vọng tốt đẹp cho nhân dân, “yêu thương tất cả chỉ quên mình”. Chính điều đó càng làm cho chúng ta rưng rức nỗi xót xa “Trọn cuộc đời, Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ”.

Ngày 18/5/1946, lần đầu tiên thông tin về ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố trên báo Cứu quốc. Hôm sau, lần đầu tiên sinh nhật của Người được tổ chức. Khi đoàn thiếu nhi, Tự vệ Thủ đô và 50 đại biểu miền Nam ra thăm, chúc mừng, Bác bày tỏ: “Từ trước đến nay, tôi là người của đồng bào, thì từ nay về sau, tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Hôm nay, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.

Thật ra, lần sinh nhật này là cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh ngoại giao. Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón thượng khách của Pháp: D’Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Tiệc sinh nhật là cái cớ buộc D’Argenlieu phải đến để “Cuộc bang giao Việt - Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”. Quả thật, đến ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có cuộc gặp gỡ lịch sử với D’Argenlieu tại vịnh Cam Ranh. Người đã kiên quyết phản đối và từ chối yêu cầu của D’Argenlieu đòi “quân đội Việt Nam tại miền Nam phải rút quân về miền Bắc” với lý do thực hiện nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lịch sử còn ghi lại cảm xúc trong lần sinh nhật cuối cùng của Người - năm 1969. Theo ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác), Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Bác không đồng ý việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970; yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác… nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Tuy nhiên, Trung ương kiên trì xin phép. Nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Thói quen 9 giờ sáng ngày sinh của mình, Bác xem lại, chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Trong hôm ấy, Bác tiếp khách đến chúc thọ, gửi tặng tỉnh Nghệ An, Nhà máy Xi măng Hải Phòng tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới lời nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; viết thư cho các cháu thiếu niên Hợp tác xã Măng non (thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh); gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; thư cảm ơn chung Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng, MTTQ, đoàn thể nhân dân, lãnh đạo, chính phủ và nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế…

Sẽ chẳng ai viết Di chúc vào ngày sinh nhật mình, như Bác đã từng làm. Bác viết Di chúc lần đầu tiên vào ngày 15/5/1965, khi 75 tuổi (tài liệu “Tuyệt đối bí mật”); sửa Di chúc lần cuối cùng vào ngày 10/5/1969. Lần sửa cuối cùng kéo dài 10 ngày liền (từ 10 - 19/5/1969), mỗi ngày 1 giờ (từ 9 đến 10 giờ sáng). GS.TS Hoàng Chí Bảo nhận định: “Viết Di chúc trong dịp sinh nhật - Người đã đem sự sống, niềm vui sống, khát vọng sống vượt lên cái chết. Sửa Di chúc trong giờ tâm linh (mà những người giúp việc bên cạnh Người gọi là “giờ thiêng liêng” của Bác), Bác đã dành cho tất cả chúng ta tình thương yêu từ những giây phút thanh thản, sự thăng hoa của trí tuệ, tư tưởng, cả sự thánh thiện trong tĩnh lặng của Người… Lập nước ngày nào, Bác ra đi ngày đó. Như Thánh Gióng của thời đại mới, sau khi đã làm hết sức mình lo cho Dân cho Nước, để lại một di sản cao quý nhất, một thời đại hào hùng, rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta  - Thời đại Hồ Chí Minh, Người đã đi về cõi vĩnh hằng”.

Thấm thoắt, Người đã “bước vào thế giới người hiền” hơn nửa thế kỷ. Ở nơi đó, có lẽ Người vẫn mong muốn được nhận “món quà quý nhất”, đó là “những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” như sinh thời Người đã nói. Chính vì thế, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đó là cách chúng ta tiếp nối cuộc đời của Người: Khát vọng làm cho dân tộc độc lập, đất nước hùng cường, phồn vinh, nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc. Người mong muốn chúng ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Và trách nhiệm của chúng ta là nỗ lực hoàn thành mong muốn ấy!

T.M