Tháng Công nhân 2021: Linh động, ý nghĩa và thiết thực

10/06/2021 - 04:59

 - Tháng Công nhân được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc, được coi như ngày hội khi các cơ quan, đơn vị tăng cường phong trào thi đua, thực hiện nhiều hoạt động chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh NLĐ vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh, Tháng Công nhân được khởi động sớm bằng chương trình “75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển”. Toàn tỉnh đã có 7.030 sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động thuộc các lĩnh vực đã đăng ký thành công, đạt tỷ lệ 585% so với chỉ tiêu đặt ra (1.200 sáng kiến). Nối tiếp khí thế trên, những hoạt động được các cấp công đoàn tổ chức hiệu quả là chương trình: “Lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ”, “Cảm ơn NLĐ”, hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần…

Mỗi hoạt động có một điểm nhấn riêng, nỗ lực nhằm mang lại phúc lợi tốt hơn, trao tình cảm ấm áp cho đoàn viên, công nhân lao động. Điển hình với chương trình “Lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ”, đoàn viên, NLĐ trong doanh nghiệp (DN) đã được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nhất là mối quan tâm về thu nhập, đời sống hiện nay.

Qua đó, mong muốn công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với lãnh đạo DN có biện pháp hỗ trợ, giúp họ giảm bớt phần nào khó khăn. Hoạt động “Cảm ơn NLĐ” diễn ra ở nhiều nơi với sự đồng thuận của người sử dụng lao động, lồng ghép thêm nội dung tặng quà tri ân, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, biểu dương NLĐ tiêu biểu. NLĐ đã cảm nhận được sự chia sẻ, tinh thần cùng vượt khó thông qua các hoạt động ý nghĩa mà họ được tham gia.

Đến công trường thăm hỏi tình hình việc làm của công nhân lao động

Thêm 1 năm Tháng Công nhân diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy, các hoạt động hưởng ứng với quy mô lớn, hoạt động phong trào dành cho NLĐ đều hoãn lại để cùng địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Thay vào đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang và các cấp công đoàn đã linh động triển khai từng nội dung, tăng cường chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục gắn bó tại nơi làm việc.

Trong tháng 5, LĐLĐ tỉnh An Giang đã trích kinh phí trên 920 triệu đồng để tặng quà cho đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo; đoàn viên hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trong DN; tặng quà cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19; hỗ trợ cất và sửa chữa nhà Mái ấm công đoàn.

Các hoạt động ở cơ sở diễn ra với nội dung tương tự, tổng cộng đã có 1.097 đoàn viên, NLĐ được các cấp công đoàn hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà. Các CĐCS đã kịp thời tuyên truyền, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Trong tháng, có thêm 2 CĐCS mới được thành lập, phát triển mới 1.553 đoàn viên. Riêng CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh An Giang phát triển trên 800 đoàn viên công đoàn. Hiện toàn tỉnh có 99.358 đoàn viên/105.487 công nhân, viên chức, lao động, đang sinh hoạt tại 1.493 CĐCS.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang  Nguyễn Thiện Phú trao những phần quà san sẻ khó khăn với đoàn viên, công nhân

Song hành với Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động được tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp. Điển hình, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 3 lớp tuyên truyền cho 360 người tham dự về công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, DN. Các CĐCS tổ chức hội thi tay nghề cho công nhân lao động, tập huấn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh nội bộ.

Đặc biệt, các đơn vị chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, áp dụng biện pháp nghiêm ngặt tại nơi làm việc. Đối với các công ty có đông công nhân lao động, công đoàn phối hợp chủ DN ban hành bổ sung nội quy, lập tổ phản ứng nhanh, chuẩn bị cơ sở vật chất và kịch bản cho trường hợp có ca nghi nhiễm.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh An Giang, hoạt động của Tháng Công nhân năm 2021 tiếp tục hướng về cơ sở và lan tỏa ý nghĩa. NLĐ nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, bị mất việc, giảm lương, cuộc sống khó khăn… đã được các cấp công đoàn tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với người sử dụng lao động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn. Mọi hoạt động đều tập trung hướng đến việc chia sẻ khó khăn, kịp thời động viên, hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhờ đó, các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ ngày càng gần gũi, thiết thực, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong môi trường của DN.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích