Thanh âm làng nghề gọi Xuân về

20/01/2025 - 07:57

 - Hầu hết các làng nghề truyền thống đều sản xuất quanh năm, đều đặn và lặng lẽ. Riêng mùa Tết là giai đoạn cao điểm, không khí trở nên tất bật hơn, ngày lẫn đêm nhộn nhịp, hòa lẫn tiếng người, tiếng máy... Cũng từ mốc thời gian này, người ta có dịp nhắc đến một số nghề đặc trưng gợi lên không khí Tết một cách rõ nét.

Các làng nghề rộn ràng vào mùa Tết

Ngay cả sự hiện hữu của chúng tôi - những người làm báo khi ghé thăm các làng nghề cũng là một dấu hiệu để biết Tết đang về. Đến hẹn lại lên, không khí sản xuất ở đâu cũng trở nên xôm tụ. Đón những vị khách phương xa, người dân có câu chào quen thuộc: “Cứ Tết là thấy nhà báo hén! Hổm rày nhiều đoàn đã ghé đây quay phim, chụp hình rồi đó. Năm nay làm xôm hơn, được đặt hàng nhiều, bà con ai cũng vui”. Câu xã giao của bà Trần Thị Lan, làm lò đất ở xã Phú Thọ (huyện Phú Tân) mở màn cuộc trò chuyện vui vẻ khiến chúng tôi cũng vui lây, khi thấy phần nào không khí Tết đang hiện hữu ở làng nghề.

Nhìn sàn nhà chất kín hàng trăm cái lò đất của bà Lan cũng đủ hiểu bạn hàng khắp nơi đang ủng hộ rất khá. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng níu nghề, nhưng năm nào Tết đến, bà Lan cũng vui, vì bán ra số lượng nhiều, lại được dịp khoe với mọi người về tình yêu với nghề truyền thống. “So với năm ngoái, Tết năm nay bán “chạy”, nên làm cũng không thấy mệt, tinh thần thoải mái hơn. Bình quân 1 ngày làm ra vài chục cái lò, mấy hôm nay làm liên tục không ngơi nghỉ. Mỗi tuần đều có ghe, xe tải đến chở đi giao các tỉnh. Thấy ham lắm!” - bà Lan cho biết.

Đến 2 làng nghề bó chổi truyền thống ở Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn) và xã Phú Bình (huyện Phú Tân) vào những ngày giáp Tết, đâu đâu cũng thấy không khí nhộn nhịp, người dân ngồi quây quần bên nhau làm việc rôm rả. Các bà, các cô tay thoăn thoắt bó những cây chổi; còn trẻ em, người già, đàn ông tùy theo khả năng chia việc làm các công đoạn phụ, từ chặt vành, đóng cán, vót tre, trúc đến vận chuyển… Cây chổi tưởng chừng là vật dụng xưa cũ, quê mùa, nhưng cũng như các mặt hàng khác, đến cuối năm lại được mua số lượng rất lớn, mỗi đơn hàng lên đến cả ngàn cây.

Chị Thúy Loan, chủ cơ sở bó chổi bông sậy xã Phú Bình cho biết, để kịp giao thành phẩm cho bạn hàng, từ tháng 10 âm lịch, các cơ sở đã tăng tốc để trữ sẵn số lượng. Cận Tết, lao động nhận nguyên liệu về nhà, làm việc xuyên đêm. Còn với cây chổi bó từ cọng dừa ở xã Vĩnh Chánh, mỗi tối thấy nhà nào sáng đèn thâu đêm là biết họ đang “tăng ca” bó chổi. Cận Tết làm được số lượng nhiều, thu nhập cao hơn gấp đôi, gấp ba nên ai cũng tranh thủ. Bà Thủy, thợ bó chổi đã ngoài 60 tuổi cho biết, năm nào cũng vậy, chưa tới Tết mà không khí làng nghề đã vui như Tết. Với nguyên liệu có sẵn, 1 thợ giỏi có thể bó được 20 - 30 cây mỗi ngày.

Đâu chỉ có vùng nông thôn, lặng lẽ giữa lòng phố thị cũng còn một số nghề lâu năm tồn tại, dù số hộ theo nghề chỉ còn tính trên đầu ngón tay. Làng làm bánh tráng Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) là một điển hình. Nghề làm bánh tráng tại đây đã có tuổi đời hơn 70 năm, nay chỉ còn 7 hộ duy trì sản xuất thường xuyên. Bà Nguyễn Ngọc Diệp là một trong số hộ hiếm hoi còn làm bánh tráng cho hay, mùa làm bánh nhộn nhịp cũng là mùa Tết, vì ngày nào các lò cũng đổ bánh liên tục. Còn ngày thường, có hộ ngưng hoạt động, có hộ chỉ làm theo đơn hàng được đặt trước, số lượng từ vài trăm đến 1.000 cái. Giữa thời đại có nhiều loại bánh ngon, đa dạng hương vị, các loại bánh tráng ở đây vẫn được khách hàng ủng hộ là niềm an ủi để những người thợ níu giữ nghề.

Tết không chỉ là mốc thời gian đánh dấu một năm, mà còn là khoảnh khắc rất nhiều người ôn lại những truyền thống lâu đời, trong đó có văn hóa, tinh thần, nghề nghiệp. Rất nhiều nghề truyền thống đến nay đã dần mai một, chỉ còn số ít hộ giữ gìn; cũng có nghề nhờ được thị trường tiêu thụ rộng khắp, chưa có sự cạnh tranh mạnh mẽ của sản phẩm công nghiệp vẫn hoạt động sung túc, đem lại đời sống ấm no cho người dân. Dù trong hoàn cảnh nào, mỗi năm Tết về, vang vọng ở những làng nghề truyền thống đậm màu thời gian, người ta vẫn thấy không khí Tết rất ấm cúng, toát lên niềm vui, nét đẹp yêu nghề những người thợ tâm huyết.

HOÀI ANH