Thanh niên nuôi chí làm giàu

13/11/2018 - 05:46

 - Hiện nay, một bộ phận thanh niên nông thôn lựa chọn xu hướng rời bỏ quê hương đến những thành phố lớn để mưu sinh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, cũng như mạnh dạn đầu tư làm giàu ngay trên quê hương.

Phát triển nghề truyền thống gia đình

Làm chanh muối không sử dụng chất tẩy trắng là nghề truyền thống của gia đình thanh niên Nguyễn Văn Một, ấp Tân Mỹ (xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn), nhưng chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ. Hơn 3 năm trước, anh Một quyết tâm mở rộng mô hình sản xuất - kinh doanh của gia đình, đưa sản phẩm đến với nhiều khách hàng. Nghĩ là làm, anh Một mạnh dạn đăng ký giấy phép sản xuất - kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu chanh muối Đạo Nguyên và tham gia các lớp tập huấn cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, quy mô cơ sở được mở rộng, không còn bó hẹp các chợ trong xã, huyện mà đã mở rộng đến các chợ lớn, nhỏ của các tỉnh, thành phố khác như: Bình Dương, Kiên Giang, TP. Cần Thơ... Trung bình mỗi tháng, cơ sở bỏ mối sỉ, cung cấp ra thị trường trên 3 tấn chanh muối thành phẩm.

Theo anh Một, nguyên liệu để làm chanh muối là loại chanh giấy được thu mua tận vườn ở Bến Tre. Lựa chọn chanh giấy vì đây là loại chanh có vỏ mỏng, khi phơi nắng, chà vỏ sẽ có màu trắng, đẹp, dù giá thành cao hơn so với nhiều loại chanh khác. Bên cạnh đó, muốn có được chanh muối thành phẩm trắng, đẹp chỉ cần bỏ công phơi nắng nhiều, như vậy không cần phải sử dụng đến chất tẩy trắng. “Tuy cực nhưng tạo ra được sản phẩm an toàn, ngon đẹp, đó là tiêu chí hoạt động của gia đình từ trước đến nay”- anh Một chia sẻ bí quyết. Trước đây, hầu như các khâu sản xuất chanh muối, gia đình sản xuất thủ công, tốn thời gian lại tạo ra ít sản phẩm. Hiện nay, sau khi mở rộng thị trường, nhu cầu hàng hóa tăng lên, anh Một và gia đình tự chế ra máy chà vỏ chanh, vừa khỏe, chất lượng đồng đều, năng suất tăng hơn rất nhiều. “Lúc trước, bán cả năm cộng lại chưa tới 1 tấn chanh muối, giờ chỉ trong 1 tháng mình có thể cung cấp ra thị trường từ 2-3 tấn. Đó là chưa kể hiện nay, thị trường còn khả năng mở rộng rất nhiều. Quan trọng là mình giữ vững chất lượng cũng như cải tiến tốt hơn, tin rằng thị trường sẽ ngày càng mở rộng”- anh Một phân tích.

Thanh niên nuôi chí làm giàu

Mô hình trồng dưa leo trên đất ruộng của anh Tín được lựa chọn là sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu do Huyện đoàn Thoại Sơn tổ chức.

Trồng dưa leo trên đất ruộng

Cùng ở xã Mỹ Phú Đông (Thoại Sơn), nhưng anh Lý Trung Tín lựa chọn phát triển mô hình trồng dưa leo trên đất ruộng. Trước đây, anh Tín học hỏi và làm nhiều nghề, quanh quẩn chỉ lái xe, xịt thuốc... thu nhập thấp và không ổn định. Trăn trở mãi, sau cùng thấy đất đai ở địa phương màu mỡ, anh Tín cùng người bạn bắt tay trồng dưa leo. Nói là làm, anh Tín thuê 2 công đất để trồng thử nghiệm. Biết mình là dân “tay ngang”, nên anh Tín vừa làm vừa học hỏi những chú, bác đi trước cũng như những kiến thức mới trên mạng để nắm bắt kỹ thuật. Trời không phụ lòng người, hiệu quả mô hình ngoài mong đợi, chỉ sau 1 mùa, anh Tín phải thuê thêm đất để mở rộng sản xuất. Đến nay, sau 2 năm, anh Tín đã mở rộng mô hình trồng dưa leo lên đến 3ha, đó là chưa tính đến dự định thuê thêm 2ha để mở rộng trong vụ kế tiếp.

Thanh niên nuôi chí làm giàu

Sản phẩm chanh muối không chất tẩy trắng Đạo Nguyên của bạn Một được thị trường lựa chọn.

“Khi mới bắt đầu thì cái nào cũng khó, nhưng quan trọng là mình chịu khó học hỏi. Cái mình làm được không chỉ là cho dưa leo đạt năng suất mà còn tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định, không chịu cảnh thương lái chèn ép”- anh Tín cho hay. Do diện tích canh tác lớn, nên tiêu thụ ở địa phương ít, phần nhiều anh Tín chuyển thẳng lên chợ đầu mối ở quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), mỗi vụ dao động khoảng 120-150 tấn. Theo anh Tín, giá dưa leo biến động lên xuống theo thị trường, nhưng tìm được đầu ra ở các chợ lớn nên nhẹ lo phần tiêu thụ. Mặc dù trồng dưa leo xuyên suốt trên cùng diện tích đất nhưng do nắm vững kỹ thuật, nhất là khâu làm đất sạch, tránh được mầm bệnh nên anh Tín đảm bảo năng suất trong từng vụ. Không chỉ tạo được kinh tế cho bản thân, mô hình trồng dưa leo trên đất ruộng của anh Tín giải quyết việc làm ổn định cho 20-30 lao động ở địa phương.

ÁNH NGUYÊN