Thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

04/06/2020 - 04:43

 - Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh An Giang đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, tự tin hơn trong quá trình “lập thân, lập nghiệp” ngay trên mảnh đất quê hương mình. Có thể nói, chương trình tín dụng chính sách không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người trẻ, mà còn gắn kết thanh niên với tổ chức Đoàn.

Theo Tỉnh đoàn, ghi nhận từ báo cáo kết quả hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến hết tháng 5, dư nợ ủy thác qua kênh của Đoàn Thanh niên gần 675 triệu đồng, với hơn 33.000 hộ vay. Kết quả trên cho thấy, các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã tạo được sự chuyển biến tích cực, mặc dù thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã phần nào đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, đặc biệt là thanh niên khó khăn và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Cùng với nỗ lực vươn lên của ĐVTN, sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi như tiếp thêm sức mạnh cho các bạn đã và đang khởi nghiệp. Đây là một trong những giải pháp giúp thanh niên ngày càng gắn kết với tổ chức Đoàn.

Phó Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn Ngô Hoài Nam cho biết, năm 2018, Huyện đoàn phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp An Giang đến khảo sát và giải ngân khoản vay 200 triệu đồng cho 1 đoàn viên ở địa phương, với dự án “Đan lát lục bình”.

Nhờ được quan tâm hỗ trợ vốn giúp mô hình “Đan lát lục bình” tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, phối hợp các đơn vị mở 15 lớp dạy nghề đan lát lục bình ở nhiều địa phương.

Qua đó, giúp giải quyết việc làm cho 450 lao động là phụ nữ và thanh niên. “Từ nguồn vốn tín dụng chính sách tạo điều kiện cho nhiều thanh niên trong huyện có việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo.

Hiện, Đoàn Thanh niên huyện quản lý 61 tổ tiết kiệm và vay vốn; tổng số dư nợ ủy thác trên 64,7 tỷ đồng” - anh Nam cho hay. Hầu hết các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều gia đình ĐVTN nông thôn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Hỗ trợ vốn cho thanh niên làm kinh tế

Tuy nhiên, dù tổ chức Đoàn Thanh niên đã rất tích cực, nhưng thực tế, nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế vẫn hạn chế.

“Do đó, để nguồn vốn này phát huy hiệu quả hơn nữa, Huyện đoàn sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập huấn cho các cán bộ Đoàn ở cơ sở, các tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, thanh niên có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn, vươn lên làm giàu chính đáng” - anh Nam giải thích thêm.

Bên cạnh hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên, thời gian tới, Huyện đoàn sẽ đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, các ngân hàng với các mô hình kinh tế của thanh niên có nhu cầu về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật.

Đồng thời, tích cực kết nối tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn hỗ trợ thanh niên kỹ năng lập dự án phát triển, đáp ứng yêu cầu thủ tục vay vốn, giúp thanh niên mạnh dạn lập nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương...

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Châu Đốc, hàng năm, Phường đoàn Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) đã phát vay cho 4 tổ tiết kiệm với số tiền 90 triệu đồng cho ĐVTN ở địa phương phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Phường đoàn còn chủ động phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất trồng trọt, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên...

Bắt tay khởi nghiệp với mô hình nuôi gà đông tảo, bạn Lê Quang Khánh (khóm Châu Long 1, phường Vĩnh Mỹ) được Phường đoàn đảm bảo vay vốn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Châu Đốc để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao từ khâu phối giống, ấp trứng bằng các thiết bị máy móc hiện đại, khâu chăm sóc cũng áp dụng những kỹ thuật mới nhất.

“Do đầu tư kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại nên nặng về vốn, may nhờ được Đoàn Thanh niên giới thiệu vay vốn nên công việc thuận lợi hơn. Việc chăn nuôi, chăm sóc, mua bán tiến triển nên thu nhập từ mô hình cũng khá hơn trước rất nhiều” - Khánh chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN