Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ quy hoạch.
Theo đó, tại Dự thảo báo cáo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026-2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỷ đồng cho cả thời kỳ 2021-2030).
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án hiện đang chậm tiến độ, có kế hoạch chi tiết triển khai danh mục các công trình trọng điểm, mang tính động lực đảm bảo tính đồng bộ.
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư; thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; đẩy mạnh hợp tác công-tư (PPP).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phan Văn Mãi cho biết trong thời gian qua, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung đôn đốc triển khai công tác lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh. Bước đầu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kết quả tương đối tốt.
Dự thảo báo cáo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển trên 5 nội dung: kinh tế xanh; đô thị sáng tạo; hạ tầng thông minh; xã hội văn minh và môi trường bền vững.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước, có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.
Các trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu của Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên các ngành thương mại-dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, xây dựng hiện đại, kinh tế biển bền vững, gắn với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 14.700-15.400 USD.
Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 27%, khu vực nông-lâm-thủy sản dưới 0,5%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 60%.
Dự thảo quy hoạch cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: cải cách thể chế và tạo ra các điều kiện phát triển đột phá; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị và kinh tế xanh gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và dịch vụ hóa.
Cùng với đó, đổi mới mô hình tổ chức không gian, hướng tới đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững, đa trung tâm, xanh, thông minh, sáng tạo, giàu bản sắc, bám sông, hướng biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo mô hình TOD.
Đồng thời, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao; phát triển đội ngũ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nòng cốt, quy mô lớn, mang tính chiến lược; tập trung triển khai các siêu dự án có vai trò tạo ra sự tăng trưởng và phát triển đột phá cho Thành phố; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hồ sơ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh gửi xin ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và trình Hội đồng thẩm định tại phiên họp đã thể hiện đầy đủ các định hướng lớn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ tại các Nghị quyết; đã cụ thể hóa mục tiêu, định hướng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn cơ bản đảm bảo tính thống nhất.
“Các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cho ý kiến về nội dung quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, cần tập trung xác định các điểm nghẽn phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thành phố trong kỳ quy hoạch; đồng thời, giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông trong đô thị, các vấn đề về ngập úng, ô nhiễm môi trường, điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực…,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Góp ý cho Dự thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Trung Lương cho rằng Dự thảo báo cáo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ hơn quan điểm và phương án tổ chức phát triển không gian ngầm bởi đây là một không gian quan trọng của một đô thị hiện đại. Đây cũng là không gian góp phần đảm bảo phát triển giao thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Ngoài ra, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Trung Lương đề xuất xem xét bổ sung giải pháp nâng cao năng lực quản trị đô thị để đáp ứng yêu cầu của thành phố, trở thành đô thị hiện đại, thông minh.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu góp ý kiến cho rằng, Dự thảo báo cáo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần đi sâu phân tích tác động của cảng trung chuyển Cần Giờ với kinh tế biển thành phố cũng như tác động đến các cảng như Cát Lái, Hiệp Phước... Mặt khác, cảng nằm ngay bên khu sinh quyển quốc tế Cần Giờ nên cũng cần xem xét đánh giá tác động về môi trường ở mọi khía cạnh.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Thẩm định, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh như, làm rõ điểm nghẽn về thực trạng phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; phương hướng phát triển và tổ chức không gian du lịch; phương án phát triển hạ tầng...
Đặc biệt, các đại biểu, chuyên gia lưu ý dự thảo báo cáo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ vấn đề ngập lụt, triều cường và hệ sinh thái đất ngập nước khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ để đề xuất giải pháp phù hợp.
Sau khi thảo luận, cho ý kiến, Hội đồng thẩm định đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá thông qua quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với kết quả 100% đồng ý (với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện)./.