Tháo gỡ vướng mắc trong nông nghiệp từ hoạt động chất vấn

17/01/2022 - 05:19

 - Nhằm phòng, chống dịch COVID-19, các kỳ họp của HĐND huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dù vậy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn diễn ra sôi động, tập trung vào vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, nâng cao vị trí, vai trò của đại biểu HĐND và chất lượng hoạt động của HĐND huyện.

“Điểm nóng” nông nghiệp

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, phần lớn người dân sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn, nên vấn đề sản xuất nông nghiệp được cử tri và đại biểu HĐND huyện Tri Tôn đặc biệt quan tâm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển nông sản của người dân, đặc biệt là vụ hè thu 2021. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò tổ phản ứng nhanh nông nghiệp, hầu hết sản lượng lúa, rau màu, cây ăn trái trên địa bàn được tiêu thụ hết. Quân khu 9 còn huy động cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 hỗ trợ nông dân thị trấn Cô Tô thu hoạch, vận chuyển lúa.

Sau chất vấn, thảo luận, đại biểu HĐND huyện Tri Tôn biểu quyết thông qua các nghị quyết với sự thống nhất cao

Theo ông Văn, đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện khá ổn định. Trước tình hình đàn bò sụt giảm, ngành nông nghiệp cùng địa phương hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò An Tức - Tri Tôn, thu hút 13 thành viên tham gia (trong đó, 9 thành viên có nhu cầu vay vốn chăn nuôi 58 con bò). Thời gian tới, khi dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH đưa vào vận hành tại xã Vĩnh Gia, doanh nghiệp tham gia thành lập HTX để xây dựng vùng liên kết rộng 500ha, thúc đẩy phát triển đàn bò trên địa bàn huyện. Cùng với đó, dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc của Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà cũng vận hành, triển khai liên kết với nhiều HTX, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu lớn cho chế biến gạo công nghệ cao.

Chất vấn từ điểm cầu trực tuyến tại kỳ họp lần thứ 3 HĐND huyện Tri Tôn (nhiệm kỳ 2021-2026), đại biểu Néang Sâm Bô (Trưởng phòng Dân tộc huyện Tri Tôn) cho rằng, giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, nông dân canh tác từ vài chục công đất trở lên mới có lãi, còn canh tác dưới 10 công đất hầu như huề vốn. Thực tế hiện nay, đàn heo cũng giảm. “Cần có giải pháp hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống người dân” - đại biểu Néang Sâm Bô đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Văn cho rằng, thời gian qua, dù giá lúa duy trì cao, nhưng giá phân bón tăng rất mạnh, nông dân chỉ đạt lợi nhuận từ 1 - 1,4 triệu đồng/công. Nếu là đất thuê thì lợi nhuận chỉ còn khoảng 800.000 đồng/công cho 3 tháng canh tác. “Ngành nông nghiệp kiến nghị cần kiểm soát giá phân bón, bởi phân bón chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp” - ông Văn giải thích.

Quan tâm đời sống nhân dân

Theo ông Văn, nguyên nhân đàn heo trên địa bàn huyện giảm là do trang trại heo Vĩnh Gia đã bán hết 6.000 con heo, bàn giao đất cho dự án bò sữa của Tập đoàn TH. Sắp tới, khi dự án trang trại heo ở xã Lương An Trà và Lương Phi được Tập đoàn THACO đầu tư mở rộng, đàn heo trên địa bàn huyện sẽ tăng đáng kể. Cùng với đó, Công ty Cổ phần XNK Xanh Việt dành 10ha (còn dư của trang trại chuối Xanh Việt ở xã Tân Tuyến) để nuôi 18.000 con heo theo hình thức liên kết Công ty C.P, dự kiến triển khai năm 2022.

Đối với canh tác lúa, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp Tập đoàn Lộc Trời mở rộng diện tích liên kết sản xuất theo hình thức rải vụ (LT123), tập trung ở những xã có diện tích lúa lớn, như: Vĩnh Phước, Lương An Trà, Vĩnh Gia, Tà Đảnh, Tân Tuyến, thị trấn Cô Tô... Vụ đông xuân 2021-2022, nông dân nhiều nơi xuống giống xong nên chỉ liên kết rải vụ được hơn 8.000ha. Sắp tới, diện tích liên kết sẽ nâng lên hơn 44.000ha, đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống người dân.

Góp ý hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn. Phòng NN&PTNT cần tham mưu UBND huyện kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đánh giá, phân tích mặt mạnh, điểm yếu để có định hướng phù hợp. Đồng thời, phối hợp Hội Nông dân huyện triển khai chương trình, chính sách nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả.

“Tại kỳ họp lần thứ 5 (kỳ họp cuối năm 2021), HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về phát triển HTX, tổ hợp tác. Ngành nông nghiệp huyện cần sớm xây dựng chương trình thực hiện, đẩy mạnh tham mưu thành lập HTX, tổ hợp tác, giúp nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hợp tác trong nông nghiệp” - bà Lan lưu ý.

Cùng với lĩnh vực nông nghiệp, tại kỳ họp lần thứ 3 HĐND huyện Tri Tôn (kỳ họp cuối năm 2021), các đại biểu HĐND huyện Tri Tôn quan tâm chất vấn xoay quanh vấn đề triển khai nạo vét hồ chứa nước ven chân núi còn kéo dài, gây ô nhiễm môi trường; chia sẻ lo lắng của cử tri khi dạy học trực tuyến kéo dài, mong muốn học sinh học trực tiếp; tình hình tội phạm tăng… Hầu hết nội dung chất vấn được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trả lời thẳng thắn, công khai, minh bạch.

NGÔ CHUẨN