Thảo luận dự án Luật Nhà giáo

20/11/2024 - 14:19

 - Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tán thành với sự cần thiết ban hành luật này, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đánh giá kỹ tác động, nhất là về nguồn lực tài chính; rà soát kỹ hơn quy định, chính sách có sự khác biệt về đối tượng, nội dung so với các luật hiện hành, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tránh xung đột pháp lý khi luật này có hiệu lực.

Đại biểu cơ bản thống nhất với quy định bổ nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục tại Điều 25. Theo đó, việc bổ nhiệm phải căn cứ vào tiêu chuẩn năng lực, uy tín của nhà giáo và các quy định khác của pháp luật. Nhà giáo được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục, nếu giảng dạy đúng quy định, định mức thì được hưởng chính sách chế độ của nhà giáo và chế độ của quản lý. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, không ít giáo viên không muốn giữ chức vụ quản lý cơ sở giáo dục, do áp lực về công việc và chế độ, chính sách chưa phù hợp. Nếu coi nhà giáo là viên chức đặc biệt, thì cần có sự quan tâm, nghiên cứu; áp dụng chế độ, chính sách phù hợp, khuyến khích nhà giáo có tài, tâm huyết thêm động lực phấn đấu.

Về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại Điều 28, đại biểu Trần Thị Thanh Hương bày tỏ thống nhất cao. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và chế độ phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc theo vùng để tránh trùng lắp; tránh vướng mắc đối với quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, hỗ trợ nhà ở, tàu xe của giáo viên là những vấn đề có phạm vi rất rộng, cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

GIA KHÁNH