Thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương

27/10/2021 - 13:56

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về 4 Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.

Quang cảnh điểm cầu Đoàn ĐBQH An Giang sáng 27-10

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thí điểm từ 6-8 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho từng địa phương; quy định một số cơ chế đặc thù về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất... Hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Tại phiên thảo luận, đã có 31 ĐBQH phát biểu ý kiến. Về cơ bản, các ĐBQH đồng tình với nhiều chính sách được quy định tại dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, cần có đánh giá tác động trong 5 - 10 năm tới, các tỉnh, thành phố này sẽ đạt được gì, có tự cân đối được ngân sách, đóng góp được ngân sách hay không? Cần có sơ kết về kết quả thực hiện cơ chế đặc thù trước đó của TP. Hà Nội, TP.Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh để xây dựng chính sách cơ chế đặc thù phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 hết sức phức tạp như hiện nay.

ĐBQH đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc ban hành cơ chế đặc thù đặt trong tương quan về hiệu quả của quy hoạch, hiệu quả tăng trưởng, tính lan tỏa của nền kinh tế. Cơ chế chính sách đặc thù phải thực sự đặc thù, bảo đảm đủ mạnh, tạo được động lực phát triển cho các địa phương.

 Tuy nhiên, nhiều địa phương sẽ đề nghị xây dựng quy chế đặc thù, cần tính toán phù hợp xem có cho phép hay không… Luôn cân nhắc hài hòa lợi ích giữa địa phương với Trung ương, giữa địa phương này với địa phương khác. Việc xây dựng các nghị quyết cần quán triệt quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của các địa phương.

Trước đó, khi thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thống nhất với các dự thảo nghị quyết trên. Các đại biểu cũng đề xuất làm rõ thêm về vấn đề “đặc thù” của từng địa phương. Mặt khác, việc thí điểm được hiểu là sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá để xem xét nhân rộng, áp dụng cơ chế, chính sách trên phạm vi cả nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, lựa chọn địa phương để thực hiện thí điểm, chú trọng tính đại diện của các vùng kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo các nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm, quan trọng nhất là cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tác động lan tỏa vùng miền, gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, trên thực tế, Đảng, nhà nước luôn chú trọng hài hòa phát triển tất cả vùng miền, bằng nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các vùng khó khăn. Hiện nay, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia (nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển đồng bào dân tộc thiểu số). Các dự thảo nghị quyết chỉ là 1 số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, làm thí điểm, tạo điều kiện để 4 tỉnh, thành phố bứt phá. Còn lại, hệ thống chính sách của nước ta vẫn đảm bảo giữ nguyên, không có việc thiếu công bằng giữa các địa phương.

Những vấn đề khác do ĐBQH đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa ý kiến trong quá trình hoàn thiện các nghị quyết, trong chỉ đạo, điều hành sau này của Chính phủ.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH