Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra đối với nông dân là thay đổi tư duy canh tác, sản xuất nông nghiệp tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ý thức được xu hướng phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vợ chồng ông Tơm quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất để cải thiện kinh tế gia đình. Từ 1ha đất trồng lúa năng suất thấp, họ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vườn, lấy cây bưởi da xanh làm chủ lực.
Nhớ về giai đoạn bắt đầu trồng vườn đầy vất vả, bà Do kể: “Năm 2016, ở xã Vĩnh Thạnh Trung (nay là thị trấn Vĩnh Thạnh Trung) chưa có nhiều nông dân canh tác vườn cây ăn trái. Vợ chồng tôi phải đến các xã khác của huyện, các tỉnh trồng nhiều bưởi để tham quan, học tập kinh nghiệm. May mắn được người “thâm niên” canh tác cây có múi chia sẻ kinh nghiệm, gia đình tôi bắt tay vào trồng bưởi đến nay”.
Giai đoạn đầu, họ gặp không ít khó khăn. Từng khâu trong quá trình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng vườn đều phải tìm hiểu, học tập, tự rút kinh nghiệm sau sai sót. Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, “nghề dạy nghề”, sau 3 năm chăm sóc, công sức và sự cố gắng của ông Tơm và bà Do được bù đắp. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, vườn bưởi cho năng suất, chất lượng vượt hơn kỳ vọng.
Vườn bưởi da xanh gia đình ông Tơm và bà Do trồng theo phương thức hữu cơ
Với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, trồng vườn theo hướng hữu cơ, hạn chế phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, vợ chồng ông Tơm trồng nhiều hoa xung quanh vườn bưởi để dẫn dụ thiên địch. Đồng thời, mua sinh khối trùn quế, nuôi tại vườn bưởi, lấy phân vi sinh hữu cơ do trùn quế tạo ra bón cho cây. Sau thời gian ngắn, trùng quế thích nghi điều kiện sống, phát triển khắp khu vườn, cung cấp lượng phân hữu cơ, giúp hạn chế phân bón hóa học cần bón cho cây.
Bà Do chia sẻ: “Khi đã có kinh nghiệm thì việc chăm sóc trùn quế không mấy khó khăn. Thông thường khi bưởi kết trái, nhà vườn sẽ cắt bỏ bớt một số trái không đẹp để giữ sức cho cây, nuôi trái còn lại phát triển tốt, đạt năng suất. Cũng bằng hình thức này, sau khi bỏ trái bưởi xấu, tôi tận dụng chúng làm thức ăn nuôi trùn quế, tạo thành vòng khép kín: Trái bưởi nuôi trùn, phân trùn bón lại cho cây. Ngoài ra, vào mùa nước nổi hàng năm, gia đình tôi mua khoảng 3 tấn ốc bươu vàng ủ làm đạm tưới cho cây. Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ nên chi phí chăm sóc vườn bưởi không quá cao”.
Không dừng ở việc tạo ra sản phẩm bưởi da xanh chất lượng, an toàn, gia đình bà Do còn tận dụng bưởi non lược bỏ để chiết xuất tinh dầu bưởi, tăng nguồn thu cho gia đình. Phần bã của vỏ bưởi sau khi chiết xuất vẫn tiếp tục dùng làm thức ăn nuôi trùn quế. Không ngờ, sản phẩm tinh dầu bưởi được người tiêu dùng đón nhận, làm ra không đủ nhu cầu. Sản phẩm tự sản xuất tại nhà, hoàn toàn tự nhiên, sử dụng nguyên liệu từ trái bưởi trồng theo phương thức hữu cơ, không hóa chất và đã đăng ký kinh doanh, các tiệm làm tóc và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tin dùng. Gia đình bà phấn đấu đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.
Trước khi làm ra tinh dầu bưởi, khoảng năm 2019, gia đình họ tận dụng không gian vườn bưởi để xây dựng mô hình du lịch sinh thái, kết hợp tham quan trải nghiệm hái bưởi tại vườn, phục vụ ăn uống. Mô hình hoạt động khá tốt, thu hút khách. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động tạm ngưng. Mấy năm nay, đời sống xã hội khôi phục bình thường, ông bà có ý định mở lại loại hình sinh thái phục vụ khách tham quan, kết hợp giới thiệu sản phẩm chiết xuất từ bưởi.
MỸ LINH