Mọi chuyện khởi sắc từ khi UBND TX. Tân Châu khởi xướng mở tour Famtrip DL cộng đồng, mời khách tham quan về làng Chăm xã Châu Phong, nối tiếp là các tour do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức, kết nối đến làng Chăm thị trấn Đa Phước (huyện An Phú), DL sông nước trên làng bè TP. Châu Đốc…
Ấn tượng về chương trình được ngành chức năng và khách DL đánh giá cao, các điểm đến liên kết liền mạch, chặt chẽ gắn với những câu chuyện sinh động về đời sống, văn hóa, tập tục lâu đời của đồng bào DTTS Chăm ở An Giang. Trong đó, những bạn trẻ là con em của các hộ đồng bào DTTS Chăm trong xã với vai trò thuyết minh, dẫn tour, lái xe… cung cấp các thông tin cần thiết cho du khách.
Tour tham quan làng Chăm do các bạn trẻ ở làng Chăm hợp sức thực hiện
A Zid, chàng trai tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn viên DL quyết định về quê góp phần thu hút khách thập phương đến làng Chăm quê mình. “Lý do khiến tôi trở về quê hương làm DL để có nhiều thời gian ở gần gia đình. Tôi thấy quê nhà đang có các địa điểm DL dần trở nên thu hút du khách hơn, địa phương có những dự án phát triển nhiều mô hình DL hấp dẫn. Một lý do quan trọng là bản thân muốn giữ gìn, bảo tồn và truyền đạt được những giá trị văn hóa, tôn giáo của dân tộc Chăm đến du khách và được nhiều người hiểu rõ hơn” - A Zid chia sẻ.
Một tour trọn gói để tham quan làng Chăm, gồm: Chiêm bái các công trình kiến trúc về tôn giáo, tham quan và tìm hiểu về nguồn gốc, cách giữ gìn phát triển của những cơ sở làng nghề truyền thống (tung lò mò, dệt thổ cẩm), đi xe lôi hoặc thuyền để ngắm toàn bộ làng Chăm dọc bên bờ sông, thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng của người Chăm, trải nghiệm sinh hoạt trong căn nhà cổ truyền thống, tham gia hoạt động team building về hoạt động nướng bánh dân gian… Vốn kiến thức, kỹ năng trong ngành cộng với sự am hiểu về chính cộng đồng của mình giúp A Zid trở thành hướng dẫn viên thuần thục.
A Zid thuyết minh về món bánh bò truyền thống của người Chăm cho đoàn khách du lịch
Để kết nối và mời du khách về với làng Chăm, đa phần là nhờ khách quen cũ và các đồng nghiệp, bạn bè. Mỗi lượt đón khách đến tham quan, các bạn phối hợp nhau để tổ chức chương trình đạt kết quả tốt nhất có thể, tạo ấn tượng tốt để mỗi hành khách là một người trải nghiệm tiếp tục lan tỏa đến người mới.
“Theo tôi, văn hóa của đồng bào DTTS Chăm từ xa xưa đã như vậy, hiện nay, có chút thay đổi nhưng không đáng kể. Tôi mong giá trị văn hóa của đồng bào không mai một theo thời gian, mỗi người Chăm đều có trách nhiệm giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của cộng đồng, hoặc ít nhất có thể tìm lại những giá trị đã mất hoặc gần mất đi. Điển hình là đội trống Rabana, các nghệ sĩ chơi trống nay đã lớn tuổi nhưng thế hệ trẻ không có hứng thú với loại nhạc cụ này. Hy vọng rằng, địa phương có những chính sách phát động để những người trẻ theo học và tiếp tục giữ gìn” - A Zid trải lòng.
Cùng chí hướng với chàng hướng dẫn viên đồng hương, bạn Sa Fi Nah là thế hệ thứ 4 tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình. Nhắc đến nghề này, bao năm qua, nhiều người không khỏi khâm phục sự kiên trì của ông Mohamad, vừa giữ nghề, vừa tự thân làm DL nhỏ lẻ để duy trì cơ sở dệt. Hòa vào nhịp sống hiện đại, Sa Fi Nah cũng nghĩ nghề của gia đình cũng đi vào quên lãng như bao nghề xưa cũ.
"Trước đây, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Chăm làm ra không có nơi tiêu thụ, thu nhập rất ít nên tôi không muốn theo nghề. Nhiều lần tôi còn khuyên bố mẹ từ bỏ nghề này. Trong khi đó, các thế hệ trẻ bây giờ được học hành cao, lựa chọn ngành nghề hiện đại, đa dạng và có nhiều cơ hội phát triển… Sau 10 năm du học và làm việc ở nước ngoài, giờ đây, có những hỗ trợ của địa phương để phát triển DL, tôi mạnh dạn tiếp nối sự nghiệp của gia đình” - Sa Fi Nah bộc bạch.
Về làng Chăm ở Châu Phong hiện nay, còn nhiều bạn trẻ góp sức thổi “làn gió mới” trên quê hương, khi nơi đây được ngành chức năng “tiếp sức” phát triển DL. Năng động, am hiểu công nghệ, giỏi ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và thuyết minh bài bản, từ nhà cửa, nếp sinh hoạt, ẩm thực, ăn mặc, đời sống tâm linh… được các bạn trẻ quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Họ cũng thừa nhận, đó không phải là những lợi thế, nền tảng quan trọng là giá trị của ông bà có sẵn để lại và họ là người tiếp nối, có trách nhiệm giữ gìn, lan tỏa với tinh thần tự hào.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS là động lực để họ tự tin với lựa chọn của mình, giữ lại nét truyền thống của đồng bào. Trong câu chuyện mai một của các làng nghề truyền thống nói chung hiện nay, bên cạnh yếu tố thị trường, lớp trẻ không còn mặn mòi nối gót nghề của cha ông là niềm trăn trở chung. Thế nhưng, ở làng Chăm này, bằng thực lực của thế hệ mới, các bạn đã làm sống lại làng nghề theo cách mới mẻ và triển vọng.
MỸ HẠNH