Thế mạnh du lịch có bị lãng quên?

24/12/2019 - 07:42

 - Hơn 9 triệu lượt khách du lịch đã đến với An Giang, trong đó có hơn nửa triệu là du khách quốc tế. Đây là con số đáng mơ ước của ngành du lịch. Thế nhưng, làm sao “níu” chân du khách, rồi tận dụng, phát huy thế mạnh cứ mãi được đặt ra...

Núi Cấm vẫn chưa thể khai thác hết tiềm năng

Nhìn thẳng, nói thật

Đầu tiên, lợi thế đồng bằng sông nước với du lịch miệt vườn, sinh thái, sông nước làng bè, chợ nổi... cái nào An Giang cũng có, nhưng cái chưa có là định hướng khai thác cụ thể. Chợ nổi Long Xuyên, làng bè Châu Đốc vô cùng đặc sắc, nhưng chỉ dừng lại là sinh hoạt văn hóa, chứ thực chất của một sản phẩm du lịch đặc thù là chưa. Chưa có tour, tuyến du lịch nào khai thác lẫn quy hoạch cho làng bè, chợ nổi thành điểm tham quan khi đến Long Xuyên, Châu Đốc. Lên bờ là những làng nghề ở Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Tri Tôn... đâu đâu cũng có những làng nghề độc đáo hàng chục, hàng trăm năm tuổi như: tranh kiếng, mộc, chổi bó sậy, cà ràng ông Táo, bánh phồng, rèn, dệt... Vậy nhưng, thực sự chưa có nghề nào bà con làng sống được với việc thu hút du khách. Thực tế, việc hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống là rất tốt, nhưng không phải chỉ chăm chăm phát triển sản xuất mà dịch vụ “ăn theo” làng nghề, trong đó xây dựng cụ thể việc khai thác du lịch cho làng nghề là vô cùng cần thiết.

Và rồi, đó là tự nhiên đã ban tặng cho An Giang nào sông, nào núi. Hai dòng sông Hậu, sông Tiền với vô vàn cồn bãi, những cù lao xanh tươi ngút ngàn, đó là một cù lao Giêng tuyệt đẹp với những vườn cây ăn trái, những ngôi nhà thờ cổ kính đẹp lộng lẫy và lịch sử kiến trúc, thẩm mỹ, văn hóa hết sức độc đáo. Cù lao Mỹ Hòa Hưng với di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Những cù lao Tân Trung, cồn bãi miệt Tân Châu... tất cả chỉ là thế mạnh, dẫu có khai thác cũng chưa khai thác triệt để. Thiên Cấm Sơn hùng vĩ dẫu đã cố gắng khai thác du lịch, nhưng thực tế, không tương xứng với thế mạnh, tiềm năng, cảnh quan, nét đặc sắc. Khả năng thu hút du khách và nguồn doanh thu mang lại chưa là những điểm cộng của “Đà Lạt phương Nam”. Tương tự, núi Sam, núi Tô, núi Dài, Tức Dụp... cũng sơn thủy hữu tình và đến ngắm, về mà không có một dịch vụ nào để níu chân du khách.

Với du lịch tâm linh, chúng ta có hàng triệu du khách đã và vẫn đến với Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Thực tế, những cố gắng của TP. Châu Đốc, ngành du lịch và người dân nơi đây đã giúp Châu Đốc trở thành một trong những thủ phủ thu hút du khách đến chiêm bái. Nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng... Đó còn là các lễ hội văn hóa tâm linh, trong đó đặc biệt là những ngày lễ cúng của đạo Phật giáo Hòa Hảo. Hàng triệu du khách, tín đồ đổ về Phú Tân, Chợ Mới hàng năm nhưng thực tế thì con số doanh thu du lịch địa phương gần như không có. Không phải chúng ta khai thác các lễ cúng đó để làm du lịch mà các dịch vụ phụ trợ cho người dân đến với các điểm ấy là chưa có hoạch định, quy hoạch lẫn xúc tiến. Đó còn là những lễ Kỳ yên, đơn cử như lễ Kỳ yên đình Bình Thủy (Châu Phú) có hàng trăm ngàn lượt người về vui chơi hàng năm, nhưng gần như địa phương cũng chưa khai thác cái gọi là tiềm năng…

Hoạch định chiến lược

Định hướng chiến lược cho phát triển du lịch An Giang với một đề án bài bản, quy củ, được các nhà nghiên cứu, chuyên gia xây dựng. Thế nhưng, đã đi hơn nửa chặng đường của đề án nhưng tất cả vẫn là phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế và định hướng phát triển. Hoạch định chiến lược là cần thiết, trong đó từng ngành, địa phương phải xác định được đâu là vai trò của mình, đâu là hỗ trợ người dân, đâu cần ngân sách đầu tư và kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành khai thác.

Hơn 9 triệu lượt khách, chỉ 5.000-6.000 tỷ đồng doanh thu là con số chưa xứng tầm tiềm năng. Do đó, ngay từ bây giờ, khi “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã đến, đó là: các nhà đầu tư chiến lược, nhất là những tập đoàn lớn ngành du lịch Việt Nam đã và đang thấy được du lịch An Giang thì chúng ta cần mời gọi nhiều hơn nữa để “biến” những núi Cấm, núi Sam... thành những “Bà Nà Hill”; “biến” chợ nổi Long Xuyên, làng bè Châu Đốc thành tour, tuyến sông nước độc đáo miền Tây, “biến” Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội đua bò Bảy Núi thành chuỗi hoạt động văn hóa vang danh quốc tế... Trên hết là phải đầu tư cho được hệ thống nhà hàng, khách sạn đồng bộ, chuỗi các điểm vui chơi phụ trợ để níu chân du khách ven hoạt động chính của những lễ hội hay thăm thú cảnh quan đó. Bài toán phương trình trong khai thác du lịch sẽ không quá khó khi chúng ta cùng nhau vạch ra đúng hướng đi.

BẢO TRỊ