Thể thao và câu chuyện “đường dài”

06/05/2020 - 05:34

 - Phía sau những tấm huy chương hay thành tích đáng tự hào của các vận động viên (VĐV) là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện rất gian nan. Đó còn là nỗ lực của những người thầy tâm huyết, sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đào tạo nguồn lực thể thao cho tỉnh An Giang.

Từ võ thuật…

Từ lâu, người hâm mộ thể thao tỉnh không còn xa lạ với những “cô gái vàng” của làng võ thuật Việt Nam xuất thân từ An Giang. Những cái tên như: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Cẩm Nhi, Văng Hồng Phượng… đang thực sự làm cho những huấn luyện viên (HLV) từng phát hiện, đào tạo họ cảm thấy tự hào. Tuy nhiên, trước khi trở thành những VĐV vươn tầm quốc tế, họ đều đi lên từ sàn đấu phong trào với sự tận tụy của những người thầy đầu tiên.

Hiện nay, các địa phương đang nỗ lực phát triển phong trào võ thuật, nhằm xây dựng những thế mạnh riêng và cung cấp nguồn VĐV chất lượng cho làng võ thuật tỉnh. Điển hình như: Tri Tôn nỗ lực phát triển kick-boxing; Tân Châu khẳng định bước tiến vững chắc của taekwondo hay Châu Phú mở rộng tầm ảnh hưởng của võ cổ truyền. Thực tế, ngành thể thao các địa phương nói trên đã có bước chuẩn bị lâu dài để tìm ra lứa VĐV “chủ lực” tranh tài ở các giải đấu cấp tỉnh.

Các vận động viên võ thuật phải được đào tạo nhiều năm mới có được thành tích tốt

Bà Bùi Thị Hồng Thủy (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP. Long Xuyên) cho biết, không cần đến thể thao thành tích cao mà việc đào tạo 1 VĐV võ thuật thi đấu ở các giải phong trào đòi hỏi rất nhiều công sức. Thông thường, các VĐV phải gắn bó với võ thuật ít nhất 2 năm mới đủ tố chất để tập luyện nâng cao và thi đấu hiệu quả.

Dù mỗi kỳ đại hội thể dục - thể thao tỉnh cách nhau 4 năm nhưng công tác chuẩn bị để đào tạo VĐV võ thuật phải bắt đầu ngay sau khi kết thúc đại hội. Như vậy, khoảng thời gian 4 năm thực tế cũng chỉ “vừa đủ” để định hình một lứa VĐV võ thuật chất lượng cho địa phương.

Thực tế, để VĐV võ thuật có đủ trình độ tham gia các giải đấu thì các em phải nỗ lực tập luyện từ khá sớm. Không khó để thấy các võ sinh nhí mới 5-6 tuổi đã tham gia rèn luyện sức khỏe tại các câu lạc bộ võ thuật. Thông thường, việc tuyển chọn VĐV cho võ thuật chủ yếu bắt đầu từ cấp THCS để có đủ thời gian tập luyện nâng cao trình độ và hướng đến thành tích cao trong tương lai.        

Đến việc tìm kiếm “kình ngư”

Cùng với võ thuật, bộ môn bơi lội cũng có những yêu cầu đặc thù trong việc đào tạo ra 1 “kình ngư” chất lượng. Ông Võ Thái Nguyên, HLV môn bơi lội (Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh) cho biết, để có được 1 VĐV bơi lội giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức. Nếu tính từ thời điểm các em được tuyển chọn vào lớp năng khiếu bơi cho đến khi có được thành tích ở các giải trẻ quốc gia thì phải mất từ 5-7 năm đào tạo. Các em phải đi từ lớp năng khiếu bơi lên tuyến trẻ, rồi từ tuyến trẻ nâng lên đội tuyển. Thông thường, lứa tuổi được tuyển chọn vào các lớp năng khiếu bơi chỉ trong khoảng 6-8 tuổi.

Ông Võ Thái Nguyên phân tích, đào tạo 1 “kình ngư” giống như việc chăm bón cho 1 cây non. HLV phải uốn nắn, hướng dẫn kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao. Quá trình đó kéo dài nhiều năm với sự nỗ lực không mệt mỏi của VĐV. Qua công tác tuyển chọn bài bản, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh đã đào tạo những tên tuổi nổi bật trên “đường đua xanh” ở mọi cấp độ. Có thể kể đến những cái tên nổi bật, như: Kiên Ngọc Thúy, Nguyễn Trung Quân, Đỗ Chí Trung, Đặng Ái Mỹ, Phạm Thị Hồng Gấm, Phan Thị Tố Uyên, Võ Văn Triết…

Về thế mạnh bơi lội, An Giang cùng với Long An là 2 địa phương có thành tích tốt ở khu vực ĐBSCL, khi sản sinh ra những cá nhân nổi bật tại các sân chơi dành cho tuyến trẻ hay giải vô địch quốc gia. Hiện tại, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh đang tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động tìm kiếm, tuyển chọn những cá nhân có tố chất để tạo nguồn lực kế thừa cho lứa VĐV đang ngày một trưởng thành để vươn mình đến những sân chơi cấp quốc gia, quốc tế.

Không chỉ riêng võ thuật hay bơi lội mà hầu hết các VĐV thể thao đều phải được phát hiện, huấn luyện từ rất sớm, phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Đó là nỗ lực của ngành thể thao và các địa phương, đặc biệt là những HLV chuyên môn đã dày công phát hiện, bồi dưỡng, "chấp cánh" cho những cái tên xuất thân từ An Giang bay cao trên bầu trời thể thao Việt Nam.

THANH TIẾN