Thêm vòng đời cho rác

09/11/2022 - 03:34

 - Ống hút, các sản phẩm từ nhựa đã qua sử dụng, vải thừa, vải vụn… thay vì đi thẳng ra bãi rác thì đã được tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích. Cách làm này vừa giảm thiểu rác thải gây ảnh hưởng môi trường, vừa mang lại nguồn lợi kinh tế cho nhiều phụ nữ, thanh niên nhờ vào sự khéo tay của mình.

Khoảng 4 năm nay, chị Trương Thị Kham (ngụ xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) phát triển nghề đan thảm từ vải vụn, đồng thời tạo việc làm cho một số phụ nữ ở địa phương. Đối với chị Kham, làm đế lót ly, thảm nhà, đệm… bằng các loại vải thừa là một phần khéo tay của phụ nữ từ xưa, chứ không nghĩ đến chuyện kiếm ra tiền.

Chị Kham sống nhờ việc mua bán khăn giấy, sau nhiều năm phát triển thành cơ sở phân phối sỉ. Thời gian rảnh, chị đem đồ cũ cắt thành vải sợi, làm những món đồ lặt vặt để sử dụng trong gia đình. Thấy chị khéo tay, có người ngỏ lời mua và khuyến khích chị bán nhiều hơn.

Bằng cách đó, khách hàng tăng dần, chị lên mạng học thêm các mẫu mã để đan sản phẩm đẹp, đa dạng hơn. Phụ trợ cho chị Kham là con gái. Qua vài đợt tiêu thụ, 2 mẹ con cùng thiết kế mẫu mã mới.

Thảm đan từ vải vụn

Ngoài bán lẻ, chị Kham tăng dần số lượng và bỏ mối cho các khách hàng quen đang tiêu thụ khăn giấy. Việc gia công thắt vải được tận dụng thêm lao động nữ trong xóm để làm. Riêng công đoạn tạo hình các hoa văn trên thảm do chị Kham đích thân đảm nhận.

 “Một món đồ thân thuộc và rẻ tiền trong gia đình, lại trở thành mặt hàng được bán buôn như bây giờ. Khi biết trên thị trường các loại thảm từ vải vụn bán rất nhiều, tôi càng chú trọng cạnh tranh về mẫu mã. Tôi mừng vì nhờ công việc này, nhiều chị em nội trợ có thể kiếm tiền từ vải vụn bỏ đi. Chị nào tay nghề giỏi có thể kiếm được 100.000 đồng/ngày” - chị Kham chia sẻ.

Ngụ cùng xã Phú Hiệp, anh Âu Hoàng Giang cũng có cách sáng tạo để làm các vật dụng từ rác thải nhựa. Anh Giang cho biết, qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, anh nhận thấy lượng rác ở nhà trường và gia đình chủ yếu là những loại bao ny-lon không có khả năng tự phân hủy. Các loại rác từ kẹo, bánh, quà vặt… được sử dụng đóng bầu ươm cây, ươm giống hoa… Các loại dụng cụ học tập, chai, lon nhựa… ngày một tăng và đa dạng, nhưng việc thu gom chưa hiệu quả.

Trong sinh hoạt hàng này, dù người dân được hướng dẫn, tuyên truyền, nhưng việc phân loại rác vẫn thiếu khoa học. Những loại rác có khả năng tái sử dụng, tái chế được trộn lẫn với những loại không thể tái sử dụng và rác hữu cơ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Trước thực tế này, anh đã nảy ra ý tưởng biến các loại phế liệu, như: Chai nhựa, vỏ lon, ly nhựa, bao xốp tái chế thành những hộp bút, đèn học, chậu hoa trang trí...

Là giáo viên dạy Toán ở Trường THCS Châu Phong (TX. Tân Châu), anh Giang có thú vui “chế” đồ dùng cho các vật dụng cũ trong nhà. Vỏ xốp bao trái cây được anh “biến” thành hoa, đôi giày cũ thành chậu xương rồng đặc biệt. Vỏ hộp bánh, bông điên điển sấy khô, giấy vụn… được anh làm thành khung tranh trang trí. Anh còn phát huy năng khiếu này để làm các đồ dùng học tập trên lớp, cùng với học sinh thường xuyên làm sản phẩm tái chế, vừa hữu ích, vừa giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường cho các em.

Qua các cuộc thi làm đồ dùng học tập tại trường, anh Giang đạt giải và được đánh giá cao về sự sáng tạo, thiết thực lẫn ý nghĩa khi thực hiện ý tưởng. Được vợ động viên, anh quyết định khởi nghiệp thêm “nghề phụ” làm sản phẩm thủ công từ các nguyên liệu qua sử dụng.

Anh Giang cho hay, lợi thế của sản phẩm là độc đáo, tùy nguyên liệu có được mà làm ra món đồ dùng khác nhau, không đụng hàng, mang ý nghĩa vì môi trường nên được người sử dụng yêu thích. Một số sản phẩm thủ công do anh làm được bán ra, như: Đồng hồ, tranh, bình hoa… và nhận phản hồi tích cực.

Cũng nhờ khéo tay, anh Lê Hoàng Sơn (xã Phú An, huyện Phú Tân) làm chậu hoa từ nguyên liệu ny-lon để bán. Từ mẫu mã đẹp, bắt mắt được khách hàng “chấm điểm”, anh Sơn chuyển sang làm theo đơn, với yêu cầu ngày càng cao.

“Ny-lon là loại rác khó phân hủy trong môi trường, trong khi nhu cầu sử dụng bọc ny-lon hiện nay rất phổ biến vì rẻ, tiện dụng. Tôi đi thu gom bọc ny-lon từ những người bán đồ ăn, rau củ và các hộ gia đình. Thay vì bỏ thành rác thì mình sáng chế ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống, kéo dài vòng đời của rác” - anh Sơn cho biết.

Bọc ny-lon được làm mô phỏng khi tạo hoa, lá, thân cây… tương tự cách làm trên giấy, phụ kiện có thêm bông tăm, chậu, sỏi… Ny-lon sau khi được giặt sạch, phơi khô thì phân loại, cắt mảnh phù hợp và ủi nhiều lớp để đủ độ cứng cáp trước khi tạo hình.

Mỗi đơn hàng, khách đặt như thế nào, anh lại tìm hiểu để cho ra sản phẩm đẹp nhất có thể, mẫu đơn giản thì mất vài ngày, khó hơn có thể đến 1 tuần. Anh Sơn còn làm thành túi xách với mẫu mã đa dạng cung ứng thị trường, từ nhỏ xinh với giá bình dân đến những túi xách lớn, thời trang, cầu kỳ... Những thứ tưởng chừng bỏ đi, một lần nữa trở nên có ích từ sự tâm huyết và sáng tạo của anh.

Để bảo vệ môi trường lâu dài, người dân được hướng dẫn chia rác thải theo 3 loại: Rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. Hiện nay, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, tài nguyên đất ngày càng khan hiếm. Mỗi người bằng 1 hành động nhỏ ngay từ khâu phân loại, hoặc sáng tạo nhiều hơn để kéo dài vòng đời của rác, góp phần giữ gìn môi trường sống chung của cộng đồng tốt hơn.

 

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích