Thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp

13/05/2025 - 08:37

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại huyện Phú Tân đang bước vào thực hiện vụ thứ 3, với các mô hình thí điểm được thực hiện từ vụ thu đông 2024 đến nay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho biết, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vụ hè thu 2025, xã Hiệp Xương là đơn vị duy nhất của tỉnh (trong tổng số 11 tỉnh ĐBSCL) thực hiện 1/11 mô hình 50ha sản xuất lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đây là niềm vinh dự của ngành nông nghiệp huyện, vừa là yêu cầu đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực trong phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nông dân… để tranh thủ nguồn lực, đạt mục tiêu duy trì và không ngừng mở rộng diện tích thực hiện đề án trong phạm vi toàn huyện.

Vụ hè thu này, xã Hiệp Xương tiếp tục thực hiện 50ha. Để đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh, UBND huyện đã giao trách nhiệm cho UBND xã quán triệt, tạo sự đồng thuận rộng rãi cho nông dân. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, từ vụ thu đông năm 2024, trên địa bàn có 9 mô hình thí điểm, tổng diện tích thực hiện 100ha tại 8 xã, thị trấn. Đến vụ đông xuân, tăng thêm 275ha, hộ nông dân tham gia cũng tăng từ 54 lên 123 hộ. Vào mô hình, tập quán sản xuất thay đổi, sử dụng lượng giống gieo sạ từ 150 - 200kg/ha giảm còn 80 - 100kg/ha; giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh (phun theo đối tượng sâu bệnh không phối trộn nhiều loại); lợi nhuận tăng thêm từ 6 - 9 triệu đồng/ha. Đây là thắng lợi lớn, khẳng định tính ưu việt của đề án gần như tuyệt đối mang lại cho sản xuất cây lúa, tính đến thời điểm hiện nay.

Trình diễn máy sạ hàng trên cánh đồng thí điểm tại xã Hiệp Xương

Mô hình trình diễn với diện tích 50ha tại ấp Hiệp Thạnh có 11 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống OM18; áp dụng gieo sạ hàng biên kết hợp vùi phân, mật độ gieo sạ 70kg/ha. Nông dân quản lý nước tưới theo phương pháp khô ngập xen kẽ, lắp đặt cảm biến đo mực nước tự động trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, quản lý dịch hại trước, trong và sau vụ lúa theo nguyên tắc IPM; tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi đồng. Ông Phạm Hữu Chí (có 10ha trong mô hình) bày tỏ: “Tôi rất hài lòng khi máy sạ hàng kết hợp bón vùi phân vận hành hiệu quả, nhất là khâu đánh rãnh thoát nước, giúp ruộng mạ lên đều và đẹp. Sự quyết tâm của địa phương và cán bộ đồng hành giúp chúng tôi thêm mạnh dạn, tự tin để thực hiện thắng lợi mô hình”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Đặng Thanh Phong, vận động nông dân chuyển đổi tập quán canh tác cần đưa ra mô hình “mắt thấy, tai nghe”. Toàn bộ quy trình canh tác mô hình theo đề án 1 triệu ha từng bước đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn để nông dân thực hành theo chuẩn. Qua từng vụ có so sánh, đối chiếu; bà con thấy được hiệu quả về chi phí, lượng thuốc, lượng giống, kéo theo đó sẽ giảm yếu tố đầu vào. Ban đầu, tâm lý của nông dân còn e dè, cuối vụ họ đánh giá lợi nhuận thực tế rất tích cực.

Đến nay, diện tích tham gia đề án trên toàn huyện Phú Tân được nông dân đăng ký hơn 420ha, khả năng một số tiểu vùng tiếp tục vận động mở rộng diện tích. Thí điểm qua từng vụ liên tục khẳng định thắng lớn, hiệu quả không bàn cãi. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh: “Từ những ưu điểm nổi bật của mô hình, gắn với mục đích tăng trưởng xanh, suy cho cùng nông dân là người trực tiếp sản xuất và hưởng lợi. Chúng tôi rất phấn khởi vì điều đó, bởi nông nghiệp khởi sắc thì kinh tế - xã hội ở địa phương cũng sẽ phát triển theo”.

UBND huyện Phú Tân đề nghị các ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân thay đổi tư duy, tổ chức sản xuất nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Trong đó, đi đầu là ngành nông nghiệp, kế đến là chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật - những người gần gũi trực tiếp với nông dân, vừa tháo gỡ trăn trở của nông dân, vừa hướng dẫn họ tận tình để đạt hiệu quả thực tế thuyết phục nhất.

MỸ HẠNH