Thi đua xây dựng quê hương Long Xuyên

17/04/2024 - 05:24

 - Hiện nay, hàng loạt phong trào thi đua được TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) phát động, triển khai hiệu quả, như: Thi đua thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC); đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC)… Các phong trào được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, cuộc vận động của địa phương, động viên toàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức hăng hái hưởng ứng.

Ở lĩnh vực an sinh xã hội, phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện bằng nhiều mô hình ấm áp nghĩa tình, như: Những khu nhà Đại đoàn kết, Mái ấm công đoàn; hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ “Y tế bác sĩ gia đình”, “Hũ gạo đồng đội”, “Đội thanh niên tình nguyện”, “Mẹ đỡ đầu”, Quỹ Khuyến học - khuyến tài. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, nắm sát tình hình Nhân dân.

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khéo léo vận động, phát huy vai trò Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an sinh xã hội. Hơn 13 tỷ đồng được vận động (thông qua Quỹ Vì người nghèo, Cây mùa xuân), giúp 26.592 người được thăm hỏi, tặng quà; 54 căn nhà Đại đoàn kết được xây dựng, sửa chữa; 35 học sinh được tiếp tục đến trường…

Thi đua xây dựng nông thôn mới, TP. Long Xuyên có 2 xã nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ 100%), 11 phường đăng ký thực hiện “Đô thị văn minh”. Toàn thành phố vận động xã hội hóa xây dựng 5 cây cầu (gần 4,4 tỷ đồng), như: Cầu Mương Chùa (phường Mỹ Quý), cầu Ngã Năm (xã Mỹ Khánh), cầu Nguyễn Đình Lê (phường Mỹ Hòa)… thu hút đông đảo nhà tài trợ, người dân chung sức, đồng lòng thực hiện.

“Cán bộ, công chức, viên chức tập trung thi đua thực hiện văn hóa công sở. Mỗi ngày, phong trào thi đua tạo ra chuyển biến tốt trong nhận thức và hành động của từng người. Phong cách giao tiếp, ứng xử, thái độ hợp tác, tương trợ đồng nghiệp trong công việc; tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp tiến bộ rõ rệt. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; tham gia nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, năng lực… ngày càng tốt hơn” - Phó Trưởng phòng Nội vụ TP. Long Xuyên Huỳnh Hữu Danh thông tin.

Thi đua CCHC, địa phương hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, với 61 nhiệm vụ. Hoạt động công khai TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; công tác nhập hồ sơ ứng dụng phần mềm “một cửa điện tử” được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Hoạt động kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ (đột xuất, theo kế hoạch) được thực hiện thường xuyên. Nhờ vậy, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm; nâng cao hơn nữa hiệu quả CCHC, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Để xứng tầm đô thị loại I, địa phương triển khai phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Đến cuối năm, thành phố chi trên 227 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng (chiếm 20,75% trong tổng chi); hoàn thành 8 dự án (Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu; khu tái định cư các hộ dân thuộc Khu hành chính thành phố; khu Tây Đại học An Giang mở rộng; Trường Mẫu giáo Hoa Cúc, Mẫu giáo Hoa Phượng…).

Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, địa phương phối hợp hoàn thành hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Tây Nam, khu đô thị phía Tây, khu đô thị mới phía Nam thành phố, khu đô thị mới phía Nam đường Phạm Cự Lượng, Trung tâm Thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ cao cấp Long Xuyên.

 Theo UBND TP. Long Xuyên, nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, như: Thi đua phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh… Các cụm, khối thi đua của thành phố ngày càng đi vào nền nếp, có bước chuyển biến tích cực cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức; việc bình xét thi đua đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, có tác dụng cổ vũ, động viên ra sức thi đua, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.

Cũng từ đây, nhiều tấm gương, mô hình được tỏa sáng. Điển hình, như: Mô hình “Xây dựng khu dân cư Đại đoàn kết gắn với công tác xóa nghèo, đảm bảo an sinh xã hội”, “Nhà tạm trú cho bệnh nhân chạy thận”, “Chia sẻ suất ăn sáng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, “3 An”…

Trong nông nghiệp, nổi bật là mô hình ương giống cá heo trong ao đất ứng dụng hệ thống quạt nước, trồng hoa huệ hồng ứng dụng hệ thống tưới phun tự động của nông dân xã Mỹ Hòa Hưng; trồng cây kỷ tử trong nhà lưới sử dụng hệ thống phun điều khiển bằng điện thoại thông minh của nông dân xã Mỹ Khánh.

Đó còn là tấm gương của ông Vương Tấn Dũng (phường Mỹ Hòa) khi hết lòng ủng hộ thành lập Quỹ Khuyến học - khuyến tài 13 phường, xã; bà Nguyễn Thị Bảo Châu (phường Mỹ Xuyên) hết lòng vì bệnh nhân nghèo; ông Đàm Văn Chiến, Trương Văn Gấu (xã Mỹ Hòa Hưng) cặm cụi sửa đường cho người dân đi lại; ông Đỗ Thành Luận, Nguyễn Ngọc Quang thầm lặng làm sạch đẹp đường phố…

Từ những kết quả nổi bật đạt được, địa phương mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong tư tưởng, nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ và Nhân dân về vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ thi đua, khen thưởng.

“Địa phương tiếp tục chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng chuyên đề; nâng cao tỷ lệ khen thưởng cho tập thể ở cơ sở, người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân, công chức, viên chức, chiến sĩ), học sinh và người dân. Cùng với đó, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; tích cực đổi mới, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng giới thiệu gương điển hình tiên tiến” - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Đinh Văn Bảo nhấn mạnh.

GIA KHÁNH