Nhận định về thị trường bất động sản 2023, nhiều chuyên gia vẫn tỏ rõ sự lạc quan khi cho rằng sẽ không quá khó khăn và vẫn đảm bảo mức phát triển nhất định nhờ nhiều tín hiệu sáng sủa.
Dòng tiền được khơi thông
PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dự đoán năm 2023, các luồng tiền vào thị trường bất động sản cho thấy tín hiệu tích cực.
Luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5-2% cho ngân hàng thương mại để tạo đà giúp doanh nghiệp vận hành. Do đó sang năm 2023 tín dụng chắc chắn không giảm.
Luồng tiền thứ hai là chứng khoán có xu hướng tăng sẽ cung cấp một lượng tiền khổng lồ đi vào nền kinh tế và thị trường bất động sản. "Nếu chỉ tăng 25% thực sự rất tốt nhưng cũng có thể tăng lên đến 30%, 40% thậm chí 50%, vì khi đã xuất hiện đỉnh, khả năng vượt đỉnh có thể xảy ra", ông Chung nói.
Luồng tiền thứ ba là trái phiếu đang dần phục hồi. Năm 2023, còn một lượng trái phiếu đáo hạn nhưng nếu được phản ứng bằng những chính sách kịp thời, vấn đề sẽ được kiểm soát.
Luồng tiền thứ tư là kiều hối vẫn ổn định. Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.
Luồng tiền thứ năm, là từ các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế với tâm lý “có tích lũy sẽ đầu tư đất đai, nhà ở”.
Ngoài ra, những luồng tiền còn lại bao gồm: việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã dần vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; nhiều nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn làm thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế cũng ở mức ổn định…
Đặc biệt, ông Chung cho rằng, năm 2023, luồng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài “vô cùng tươi sáng”. Vì hơn 200 đại diện cấp cao của các công ty đầu tư hàng đầu bình chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, đồng thời lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.
Thị trường bất động sản 2023 sẽ đón nhiều tín hiệu lạc quan. (Ảnh minh họa)
Chia sẻ thêm về luồng vốn FDI, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savill Việt Nam, thừa nhận Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
“Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, tới nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu với nhóm ngành sản xuất - chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi đặt vào bối cảnh hiện nay”, ông Neil MacGregor nói.
Chính sách thông thoáng
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.
Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Các bộ ngành rà soát, đề xuất sửa đổi những quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.
Nguồn vốn cho thị trường bất động sản sẽ được cung ứng đầy đủ theo mục tiêu, linh hoạt và nhịp nhàng hơn. Đặc biệt, yêu cầu về việc giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án BĐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật sẽ được đặt lên hàng đầu.
Cũng theo ông Đính, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội bất động sản Việt Nam, tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán...phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi.
Nhà ở xã hội - chìa khóa thanh khoản thị trường
Nhà ở xã hội cũng là một điểm sáng sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2023 hồi phục và phát triển. Hiện đã có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản tham gia phát triển loại hình này.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, với sự quyết tâm, sự bắt tay vào cuộc tương đối mạnh mẽ của Chính phủ, của các địa phương, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng, phân khúc này sẽ có sự khởi sắc không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.
Hướng tới trong năm 2023 - 2024, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà giá rẻ sẽ được gia tăng, trở thành phân khúc chủ đạo trên thị trường bất động sản, giảm bớt tình trạng chênh lệch cung - cầu, giúp phần lớn người dân đô thị chạm tới được giấc mơ an cư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, điểm sáng trong năm 2023 là sự vào cuộc doanh nghiệp lớn triển khai nhà ở xã hội với quy mô hàng trăm ha.
Ông Thanh dự đoán, sẽ có lượng hàng lớn sản phẩm nhà ở xã hội sẽ được hấp thụ nhanh chóng. Đây sẽ là chìa khóa để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Bất động sản công nghiệp thu hút nhà đầu tư
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, sang quý II và quý III/2023, thị trường sẽ dần phục hồi. Trong đó, bất động sản công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục là “điểm sáng” của thị trường.
Số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như bất động sản công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho…còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.
Lý giải nguyên nhân thực trạng này, giới chuyên gia cho rằng, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt. Bởi đây là mấu chốt quyết định mức hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam hiện nay đang tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động nhờ một số Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Đơn cử là về giá thuê trong nước hiện vẫn ở mức tương đối thấp nếu đặt lên bàn cân với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay Ấn Độ…Chưa kể, nguồn lao động tại Việt Nam dồi dào, mức lương chi trả không quá cao.
Đặc biệt, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, bất động sản công nghiệp sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho biết, nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần (logistics) chất lượng ngày càng cao. Đây là thách thức của các nhà đầu tư khi xây khu công nghiệp cho thuê trong thời gian tới.
Theo VTC