Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Giá gạo châu Á đi lên

05/06/2022 - 07:57

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều tăng lên, có giá từ 355-460 USD/tấn, cao hơn so với tuần trước nhờ nhu cầu mạnh mẽ.

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu châu Á tăng trong tuần này nhờ nhu cầu mạnh mẽ, trong khi Bangladesh bắt đầu chiến dịch truy quét những đối tượng tích trữ ngũ cốc bất hợp pháp khi giá tăng cao ở thị trường nội địa.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm tăng lên mức 355-360 USD/tấn, cao hơn so với tuần trước.

Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Người mua đang hướng tới nguồn cung gạo từ Ấn Độ vì giá cả cạnh tranh hơn so với nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam."

Theo nguồn tin thương mại và chính phủ trong tuần vừa qua, Ấn Độ không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo vì nước này có đủ dự trữ và tỷ giá trong nước thấp hơn mức giá hỗ trợ do nhà nước ấn định.

Tại Bangladesh, các quan chức cho biết chính phủ đã phát động chiến dịch truy quét những đối tượng tích trữ gạo trên toàn quốc giữa bối cảnh giá cả nội địa tăng mạnh trong mùa cao điểm.

Giá gạo trong nước của Bangladesh đã tăng hơn 5% trong tuần, điều mà các quan chức đổ lỗi cho việc các thương nhân tích trữ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giá nhằm kiếm lợi nhuận.

Đầu tuần này, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã ra lệnh trấn áp hoạt động tích trữ gạo bất hợp pháp.

Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm đứng ở mức 455-460 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 450 USD/tấn của tuần trước, mà các thương nhân cho là do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng nhẹ.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết: “Nhu cầu cao từ Iraq, điều này làm tăng hoạt động của thị trường." Một thương nhân khác cho biết nguồn cung gạo vẫn còn dồi dào.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 420-425 USD/tấn, tăng từ mức 415-420 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân nói: “Các thương nhân đang tăng cường thu mua ngũ cốc từ nông dân để chuẩn bị cho các hợp đồng sắp tới."

Thị trường nông sản Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 3/6, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) đều giảm, với giá đậu tương giảm mạnh.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 3,25 xu Mỹ (tương đương 0,45%) xuống 7,27 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 18,25 xu Mỹ (1,72%) xuống 10,4 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 7/2022 giảm 31,5 xu Mỹ (1,82%), xuống 16,9775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Điều phối viên của Liên hợp quốc về Ukraine Amin Awad cho rằng cần tiến hành thêm nhiều cuộc thương lượng để đạt được thỏa thuận xuất khẩu hàng hóa từ Nga như một phần trong trong kế hoạch đã được thống nhất nhằm khôi phục xuất khẩu thực phẩm của Ukraine.

(Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sỹ) ngày 3/6, ông Awad cho biết đã đạt được sự thống nhất trên nguyên tắc từ Nga về vấn đề này, nhưng cần có thêm các cuộc đàm phán để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Nga.

Trong tuyên bố một ngày trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng sớm đẩy lùi cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các cuộc thương lượng về bất kỳ thỏa thuận nhằm gỡ bỏ lệnh chặn các lô hàng xuất khẩu như ngũ cốc vẫn chưa có kết quả.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7/2022 giảm thêm 5,85 xu Mỹ, xuống 232,40 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm thêm 5,70 xu Mỹ, còn 232,55 xu Mỹ/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Tong khi đó, sàn ICE Europe-London tiếp tục đóng cửa nghỉ Lễ Bạch Kim (Mừng 70 năm trị vì của Nữ Hoàng Anh (Platinum Jubie), không giao dịch.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 41.600-42.100 đồng/kg.

Giá càphê Arabica tại New York sụt giảm trở lại do nhà đầu tư tiếp tục chốt lời ngắn hạn và thanh lý sau đợt mua ròng liên tiếp khá mạnh tay trước đó, vì lo ngại thời tiết giá lạnh tại các vùng trồng càphê Arabica chính ở phía Đông Nam Brazil.

Không chỉ riêng giá càphê sụt giảm mà thị trường hàng hóa nguyên liệu nói chung thiếu sức đầu cơ khi chỉ số đồng USD (USDX) tiếp nối đà tăng khiến các tiền tệ mới nổi tiếp tục mất giá đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán càphê vụ mới hiện đang thu hoạch. (1 USD = 4,7780 real Brazil).

Theo HÀ CHUNG (TTXVN)