Canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu
ĐBSCL đang đối mặt với nhiều bất lợi do BĐKH gây ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Mưa bão, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn… xảy ra ngày càng nhiều và khó dự báo. Diễn biến thời tiết trong thời gian qua đã minh chứng rất rõ những tác động của BĐKH, nước biển dâng, nhiệt độ tăng cao, khô hạn, xâm nhập mặn gây thiệt hại rất nhiều diện tích cây trồng. Việc áp dụng phương pháp mới trong canh tác lúa nhằm thích ứng với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn thì các giải pháp, mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH… được xem là giải pháp thiết thực cho nhà nông hiện nay, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận kinh tế, nâng cao đời sống nông dân nông thôn, góp phần vào mục tiêu chung là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Điển hình như, phương thức sạ cụm đang được nhiều nông dân áp dụng giúp giảm lượng hạt giống lúa sử dụng, giảm nhu cầu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời gia tăng năng suất lúa, gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa ở nhiều điều kiện thâm canh khác nhau. Điểm nổi bật của phương pháp sạ cụm so phương pháp sạ lan phổ biến hiện nay, là hạt giống sau khi ngâm ủ được dùng máy sạ cụm gieo sạ theo cụm, theo hàng như ruộng cấy, nghĩa là có thể điều chỉnh được cự ly giữa các hàng, cự ly giữa các cụm và số hạt giống ở mỗi cụm theo yêu cầu của mùa vụ canh tác, thời gian sinh trưởng của giống lúa, độ phì nhiêu của đất và trình độ thâm canh của nông dân.
Cái khác căn bản của phương pháp sạ cụm là chỉ sử dụng lượng giống tối thiểu, từ 40 - 60kg/ha so phương pháp sạ lan sử dụng phổ biến 120 - 150kg/ha, nghĩa là giảm 60 - 70% lượng hạt giống theo tập quán sử dụng hiện nay. Áp dụng phương pháp sạ cụm nhiều năm nay, nông dân Hồng Văn Kỳ (huyện Châu Phú) cho biết: “Áp dụng phương pháp sạ cụm không những giúp giảm thiểu lượng hạt giống sử dụng, mà còn giảm được nhu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa ít sâu bệnh và đổ ngã”.
Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) Nguyễn Văn Tắc cho biết, đơn vị chuyên sản xuất lúa thương phẩm, lúa giống chất lượng cao. Từ vụ thu đông 2023, HTX tuyên truyền vận động thành viên sản xuất theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, tiết kiệm nước ngập khô xen kẽ, thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng, đặc biệt khuyến khích thành viên sử dụng dịch vụ cơ giới hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí giá thành sản xuất tăng lợi nhuận thay đổi tư duy nông dân từ sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất có quy hoạch, chọn tiểu vùng có lợi thế phù hợp, thí điểm. Mô hình vùng nguyên liệu kiểu mẫu tạo tiền đề tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân) Trần Văn Lô Ba cho biết, thời gian tới, HTX sẽ hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập, giá trị tăng thêm từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, cần xây dựng và phát triển mô hình sinh kế, tận dụng thu gom rơm làm nấm rơm, ủ sản xuất phân hữu cơ… Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, trong bối cảnh hiện nay.
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023, có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL nhằm gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân, thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đề án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các HTX trong sản xuất và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Giai đoạn 2 (2026 - 2030) tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Đề án 1 triệu ha lúa gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính. Đề án được xem là “chìa khóa vàng” để mở ra một chương mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.
TRỌNG TÍN