Khoảng 216 hành tinh nằm trong vùng được cho là sống được
Theo Science Daily, kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Astrophysical Journal chỉ ra rằng khoảng 216 hành tinh nằm trong vùng được cho là sống được - khu vực xung quanh một ngôi sao có thể giữ được nước ở dạng lỏng. Trong số đó có 20 địa điểm tốt nhất có thể sống được giống như Trái Đất.
Stephen Kane, phó giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học bang San Francisco, người đứng đầu nghiên cứu nói: “Đây là danh mục hoàn chỉnh của tất cả những phát hiện trong vùng có khả năng sống được do Kepler ghi lại. Điều này cho thấy chúng ta có thể tập trung vào các hành tinh này và thực hiện các nghiên cứu tiếp theo về chúng”.
Ranh giới của vùng sống được rất quan trọng. Nếu một hành tinh ở quá gần ngôi sao của nó sẽ phải đối mặt với tình trạng hiệu ứng nhà kính, tương tự như sao Kim. Nhưng nếu nó ở quá xa, nước sẽ đóng băng giống như sao Hỏa.
Phó giáo sư Stephen Kane và cộng sự đã sắp xếp các hành tinh theo từng điều kiện của vùng sống được. Sau đó ông sắp xếp theo kích thước của hành tinh: các hành tinh nhỏ hơn, các hành tinh đá và các hành tinh khí lớn hơn.
20 hành tinh trong danh sách là các hành tinh có bề mặt đá và thỏa mãn các điều kiện của vùng sống được. Chúng có khả năng giống với Trái Đất nhất.
Các nhà khoa học đã mất khoảng 3 năm để nghiên cứu hơn 4.000 ngoại hành tinh, bao gồm các kết quả của các nhà nghiên cứu ở NASA, Đại học bang Arizona, Caltech, Đại học Hawaii-Manoa, Đại học Bordeaux, Đại học Cornell và Trung tâm vật lý thiên văn Havard-Smithsonian.
Michelle Hill, một sinh viên người Úc đang học ở San Francisco tham gia trong dự án của Kane cho biết: “Thật thú vị khi biết được kết quả nghiên cứu, vẫn có cơ hội để tìm ra sự sống ở hành tinh khác”.
StephenKane là một trong những “thợ săn hành tinh” hàng đầu thế giới, người đã phát hiện ra hàng trăm ngoại hành tinh bao gồm cả Kepler-186f.
StephenKane nói: “Có rất nhiều hành tinh ở ngoài kia và thời gian để chúng ta nghiên cứu chúng rất hạn chế. Nghiên cứu này là một mốc quan trọng đối với việc trả lời các câu hỏi then chốt về mức độ phổ biến của sự sống trong vũ trụ cũng như các hành tinh giống Trái Đất”.
Theo HOÀNG DUNG (Infonet)