Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXI
Phục vụ dân sinh
Huyện Thoại Sơn vừa khởi công xây dựng đường Nguyễn Thị Minh Khai, dài hơn 1,7km, chiều rộng nền đường 16,5m, chiều rộng mặt đường 10,5m. Tổng mức đầu tư công trình gần 15 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh và huyện. Công trình không chỉ phục vụ đời sống người dân, mà còn góp phần khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Tiếp theo đó, Sở Giao thông - vận tải phối hợp UBND huyện Thoại Sơn khánh thành công trình duy tu sửa chữa, mở rộng cầu Thoại Giang. Cầu thuộc nội ô thị trấn Núi Sập, được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004, tải trọng 13 tấn, mặt cầu hẹp, thông xe 5,5m. Qua nhiều năm sử dụng, cầu xuống cấp, tắc nghẽn giao thông giờ cao điểm, chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phát triển du lịch địa phương. Sau 240 ngày thực hiện, cầu Thoại Giang được mở rộng khổ cầu từ 6,3m lên 10,8m; mở rộng phần xe chạy từ 5,5m lên 10m; tải trọng khai thác sau khi nâng cấp 24 tấn; tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm, cầu Thoại Giang là một trong những cây cầu kết nối tuyến đường giao thông huyết mạch Tỉnh lộ 943, là cửa ngõ đi vào khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, đồng thời tiếp giáp, kết nối Tỉnh lộ 943, Tỉnh lộ 960. Vì thế, cầu Thoại Giang còn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, việc mở rộng cầu Thoại Giang với quy mô khổ cầu lớn hơn đã kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, lưu thông của huyện và các vùng lân cận, khắc phục nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông so với trước đây.
“Cầu Thoại Giang cũ dễ gây ùn tắc giao thông vì mặt cầu hẹp, 2 bên cầu là bệnh viện và trường học, việc lưu thông rất đông đúc, nhất là dịp lễ, Tết. Là người dân sinh sống trên địa bàn huyện, chúng tôi hứa ra sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn, bảo quản cầu Thoại Giang, để công trình được sử dụng lâu bền!” - ông Lê Văn Kiệt (người dân xã Thoại Giang) bày tỏ.
Đặc sắc những sự kiện văn hóa
Nổi bật là Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XXI năm 2022 được tổ chức tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (mùng 10/3 âm lịch) nhân kỷ niệm 200 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822-2022). Lễ hội vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chọn là sự kiện văn hóa khởi đầu cho chuỗi sự kiện văn hóa trọng điểm chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh.
Lịch sử ghi chép về sự kiện mở đầu cho công cuộc khai phá vùng đất Thoại Sơn ngày nay nói riêng và tỉnh An Giang nói chung của danh thần Thoại Ngọc Hầu tuy ngắn gọn, nhưng tầm vóc và vị trí quan trọng của kênh Thoại Hà trong việc giao thương, vận tải, phát triển nông nghiệp và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của người dân mang giá trị vững bền. Hai bên bờ kênh Thoại Hà thu hút lưu dân về đây lập nghiệp. Làng mạc, phố thị dần xuất hiện, trở nên sầm uất, trù phú nức tiếng ở miền Tây thời bấy giờ.
Với công lao to lớn trong công trình đào kênh Thoại Hà, dựng bia và lập làng Thoại Sơn, Thoại Ngọc Hầu đã mở mạch sống, “đánh thức” vùng đất này. Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang được Chủ tịch nước phong tặng 2 danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009). Không dừng lại ở đó, năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (1979 - 2019), Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời cũng là huyện đầu tiên của cả nước đạt được cả 3 danh hiệu trên.
Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, còn có công trình khởi công Nhà truyền thống huyện Thoại Sơn. Công trình được xây dựng trong khuôn viên Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (ấp Nam Sơn, thị trấn Núi Sập) với tổng diện tích xây dựng 210m2. Đó là mô hình nhà 3 gian, móng bê-tông cốt thép, nền lát gạch đất nung, khung gỗ, mái lợp ngói, tường bao che xây gạch, cửa đi, cửa sổ bằng gỗ... Tổng mức đầu tư công trình 5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa. Nhà truyền thống huyện Thoại Sơn sẽ là nơi trưng bày, triển lãm hình ảnh về lịch sử hình thành, quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển địa phương qua các thời kỳ.
Trên địa bàn huyện đã và đang có nhiều công trình, phần việc được các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn hoàn thành, với sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mỗi công trình, phần việc dù lớn hay nhỏ, đều góp phần vào sự phát triển của địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng quê hương Thoại Sơn ngày càng giàu mạnh.
PHƯƠNG LAN