Thoại Sơn phòng, chống dịch bệnh song song phát triển kinh tế - xã hội

08/07/2020 - 07:22

 - 6 tháng đầu năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn (An Giang) khắc phục khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực, tập trung cao thực hiện nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

“ATM gạo” ấm áp nghĩa tình

Theo đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (giá hiện hành) 6 tháng đầu năm hơn 3.688 tỷ đồng, đạt 43,61% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Toàn huyện xuống giống 76.816ha lúa, đạt 67% kế hoạch năm. Trong đó lúa đông xuân xuống giống 38.452ha, đạt 99,5% (giảm 202ha so kế hoạch do chuyển sang trồng cây ăn trái 110ha và hoa màu 92ha); năng suất lúa đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng bình quân 285.544 tấn.

Tổng diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu là 1.000/1.500ha, đạt 66,7% kế hoạch (đông xuân 460ha, hè thu 540ha). Diện tích trồng cây ăn trái chuyển tiếp năm 2019 là 500ha, năm 2020 là 100ha, nâng tổng số diện tích trong toàn huyện 600ha. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) 6 tháng đầu năm hơn 2.161 tỷ đồng, đạt 46,78% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 6 tháng đầu năm đã phát triển mới 25 cơ sở, vốn 2.300 triệu đồng, với 50 lao động, đạt 50% so kế hoạch.

Huyện đã khảo sát, đánh giá hiện trạng các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao và xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các xã đạt chuẩn NTM nâng cao hướng tới NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Riêng về huyện NTM nâng cao, huyện đang dự thảo.

Đề án xây dựng hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 để trình tỉnh phê duyệt. Đang thực hiện hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao và hoàn thiện thủ tục hồ sơ công nhận xã NTM nâng cao đối với 4 xã trong năm 2020 (Thoại Giang, Vĩnh Trạch, Vĩnh Phú và Định Thành). Đồng thời, tiếp tục theo dõi, đôn đốc duy trì, nâng chất các tiêu chí xã NTM đối với các xã còn lại và cố gắng phấn đấu thực hiện đạt chuẩn xã NTM nâng cao theo kế hoạch lộ trình đề ra.

Về thương mại, dịch vụ và du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú tiêu dùng 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.424 tỷ đồng, đạt 45,89% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Toàn huyện hiện có 5.626 hộ kinh doanh, tổng số vốn là 653.220 triệu đồng, với 14.442 lao động. Đã giải quyết việc làm cho 726/2.000 lao động, đạt 36,3% kế hoạch, đưa 11 lao động đi làm việc tại Nhật Bản; hiện số lao động dự kiến xuất cảnh sang Nhật Bản là 19 người, số lao động đang học định hướng là 12 người. Công tác đào tạo nghề đã thực hiện 7 lớp, với 210 lao động, đạt 21% kế hoạch.

Đến cuối năm 2020, khả năng sẽ đạt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 1.000 lao động (các xã đã đăng ký mở 26 lớp, với khoảng 780 lao động: lĩnh vực nông nghiệp 13 lớp, lĩnh vực phi nông nghiệp 13 lớp). Triển khai cho các ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Trang Thanh Hải, đến nay, địa phương đã giải quyết xong 2 gói hỗ trợ: 395 người có công với cách mạng, 5.459 đối tượng bảo trợ xã hội; 15.098 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với tổng số tiền 2 gói hỗ trợ trên 20,6 triệu đồng. Hoạt động đảm bảo đúng đối tượng, công khai minh bạch, kịp thời, không để phát sinh tiêu cực.

Cũng trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID-19, Thoại Sơn đã xuất hiện nhiều cây “ATM gạo” do nhà hảo tâm hỗ trợ ở các xã, thị trấn: Phú Hòa, Núi Sập, Óc Eo, xã Vĩnh Chánh… Điển hình như cây “ATM gạo” được khai trương tại văn phòng ấp Đông Sơn II (thị trấn Núi Sập).

Theo đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn trên địa bàn thị trấn và các địa phương lân cận được nhận gạo miễn phí khi đến với cây “ATM gạo”. Mỗi người được nhận 1,5kg gạo/lần/ngày. Thời gian phát gạo, sáng từ 8-10 giờ; chiều từ 14-16 giờ. Hoạt động nhằm hỗ trợ khó khăn cho người dân từ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Trong buổi sáng khai trương, đã có trên 200 người đến nhận gạo từ “ATM gạo”.

Cô Phan Thị Phi Yến (59 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn, thị trấn Núi Sập) chia sẻ: “Ngày hay tin có cây “ATM gạo” ở thị trấn, tôi vui lắm. Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, công việc bán vé số bị ảnh hưởng, những phần gạo miễn phí giúp chúng tôi no lòng và an tâm cùng chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh”.

Theo UBND huyện Thoại Sơn, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, những tháng còn lại của năm 2020, Thoại Sơn sẽ tập trung làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ huyện Thoại Sơn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025); chỉ đạo việc hoàn thành Đề án huyện NTM nâng cao, xã NTM nâng cao hướng tới NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2025 để tăng giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, bức xúc, công trình đạt chuẩn quốc gia, các công trình xây dựng cơ bản chuyển tiếp, nhất là các công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Thoại Sơn nhiệm kỳ 2020-2025…

PHƯƠNG LAN