Thời điểm thích hợp để sắp xếp lại ngành hàng cá tra

09/07/2021 - 04:45

 - Với diện tích nuôi toàn vùng 5.400ha, năm 2018, ngành hàng cá tra mang về cho đất nước 2,26 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 600.000 lao động. Ưu thế là vậy, nhưng gần 30 năm phát triển, ngành hàng này bộc lộ nhiều hạn chế. Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững cần phải sắp xếp lại từ khâu nuôi, chế biến đến xuất khẩu, thị trường để đi vào trật tự, quy củ.

Cá tra là sản phẩm chiến lược, ưu tiên hàng đầu của tỉnh An Giang

Sản xuất

Trong chuỗi giá trị ngành hàng cá tra, sản xuất nguyên liệu để phục vụ chế biến xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng. Nó quyết định đến chất lượng, giá bán, uy tín sản phẩm, thương hiệu của một ngành hàng. Từ con bột đến cá tra thương phẩm, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là chuyện không dễ dàng, vậy mà nông dân trong tỉnh đã làm được.

Trong gần 30 năm phát triển, có thể thấy thành tích nổi bật trong sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, người nuôi từ việc không chủ động con giống, nay đã lai tạo con giống bằng hình thức nhân tạo. Từ con giống chất lượng thấp, nay đã nuôi được con giống chất lượng cao, có tính vượt trội. Từ nuôi theo lối truyền thống, nhỏ lẻ, nay đã chuyển sang nuôi với hình thức công nghệ cao, quy mô lớn. Từ phát triển nuôi cá thể chuyển sang hình thức nuôi liên kết, liên doanh có đầu mối tiêu thụ… tất cả làm cho quá trình sản xuất ngày càng phát triển.

Tính riêng trên địa bàn An Giang, có 1.226ha diện tích thả nuôi, sản lượng xuất khẩu trên 113.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 273 triệu USD năm 2020. “Hạn chế trong khâu sản xuất nguyên liệu hiện nay là chất lượng con giống, nguồn nước, sản xuất ngoài quy hoạch. Khi cá thương phẩm trên thị trường tăng đến 32.000 đồng/kg, tình trạng thả nuôi tự phát tăng cao. Chính điều này, có giai đoạn sản lượng nuôi vượt xa nhu cầu tiêu thụ, dẫn đến khủng hoảng thừa nguyên liệu…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Từ thực tế này, năm 2017, An Giang đã đề xuất Bộ NN&PTNT cho ra đời chương trình giống cá tra 3 cấp. Chương trình này nhằm khắc phục những hạn chế trong khâu sản xuất giống, tạo ra con giống khỏe, chất lượng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), ngư dân nuôi đạt hiệu quả hơn. Riêng về quy hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động ngư dân (hộ cá thể) đi vào con đường làm ăn hợp tác, liên doanh cùng DN chế biến để sản xuất. Tính đến thời điểm này, còn khoảng 30% diện tích nuôi chưa có hợp đồng liên kết sản xuất.

Xuất khẩu

Trong 2 năm (2020-2021), gia đình ông Trần Thành Tài (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) nuôi cá tra lỗ hơn 5 tỷ đồng, bởi giá cá thương phẩm chỉ từ 19.500-21.500 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi lên đến 23.000 đồng/kg. “Giá thức ăn từ giữa năm 2020 đến nay, điều chỉnh tăng lên đến 5 lần, trong khi giá cá thương phẩm vẫn giữ ở mức cũ, người nuôi gặp khó khăn” - ông Tài chia sẻ thêm.

Sản xuất nguyên liệu là vậy, còn khâu chế biến, xuất khẩu còn nhiều việc phải làm, đó là tình trạng ở ĐBSCL có rất nhiều nhà máy chế biến thủy sản. Tình trạng này khiến thị trường rối loạn. Cụ thể, 4 năm trở lại đây, một vài đầu mối xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đã đứng ra thành lập DN rồi thuê nhà máy để thực hiện gia công cho các thương nhân Trung Quốc hoặc liên doanh để bán hàng. Số nhà máy này không kiểm soát được chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ngoài số lượng nhà máy chế biến tăng cao, số DN được thành lập để chuyên làm thương mại, môi giới bán sản phẩm cũng nhiều. Hiện nay, cả nước có trên 340 DN, đơn vị môi giới để bán sản phẩm cá tra ra thị trường thế giới. Tình trạng phá giá lẫn nhau vẫn diễn ra, nhất là các DN nhỏ, vốn và đầu mối xuất khẩu ít, khi thị trường gặp khó thì họ không có sức chống chọi, từ đó bán tháo sản phẩm để thu tiền mặt về, xoay xở các vấn đề khác. Chính động thái này làm cho thị trường thế giới “loạn giá” bán đối với mặt hàng cá tra, một trong những sản phẩm chủ lực của cả nước.

Cần sắp xếp lại ngành hàng cá tra từ khâu thả nuôi, chế biến, thị trường xuất khẩu theo hướng tất cả các bên tham gia ngành hàng này phải có tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Nhà nước cần giao quyền mạnh hơn cho hiệp hội ngành hàng cá tra để họ có quy chế thưởng, phạt công minh nhằm lập lại trật tự để phát huy thế mạnh, tiềm năng của ngành hàng cá tra mà từ lâu là sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL.

MINH HIỂN

“Đến thời điểm này, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế An Giang. Mặt hàng chiến lược được tỉnh An Giang sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là: cá tra, rau màu, cây ăn trái, lúa gạo. Tỉnh đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT, bổ sung để thay thế dần đàn cá tra bố mẹ cải thiện về di truyền, tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh để tiếp tục thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chia sẻ.