Thổi hồn vào gỗ bằng máy CNC

07/05/2020 - 05:07

 - Bản thân là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Tịnh Biên, An Giang), anh Tạ Hải Đăng lại mạnh dạn đầu tư máy CNC để điêu khắc gỗ. Là dân “tay ngang”, nhưng với mong muốn kiếm thêm thu nhập, anh Đăng chấp nhận vay mượn vốn để đầu tư, tự mày mò cách vận hành máy, sáng tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã bắt mắt, được khách hàng ưa chuộng.

Khoảng 3 năm trước, nhận thấy nhu cầu của người dân ở địa phương cũng như nhiều nơi khác có xu hướng sử dụng các vật dụng hàng ngày hay đồ trang trí bằng gỗ. Đặc biệt, công nghệ CNC đáp ứng được các yêu cầu sản phẩm có họa tiết tinh xảo, phức tạp, nên anh Đăng bỏ công tìm hiểu rồi mạnh dạn đầu tư máy chạm khắc gỗ CNC. Bản thân là giáo viên, nên ngoài thời gian dạy trên lớp, soạn giáo án, anh Đăng tranh thủ “lên mạng” để tìm hiểu về kỹ thuật sử dụng máy.

“Ban đầu, khi đầu tư máy, không sợ không có hàng làm mà ngán nhất là vốn, vì đồng lương của giáo viên không nhiều, chỉ đủ trang trải chi phí cho sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, thấy nhu cầu điêu khắc gỗ ở địa phương nhiều, mình ráng đi vay mượn để đầu tư, chi phí vận chuyển các thứ cũng gần 300 triệu đồng” - anh Đăng chia sẻ. Hiện tại, cơ sở của anh Đăng nhận gia công các sản phẩm như: lịch gỗ, các bộ tranh phù điêu, tranh treo tường, tranh thờ, tượng và vài sản phẩm nhỏ để ghép lại thành giường, tủ...

Các sản phẩm từ cơ sở của anh Đăng được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và giá cả cạnh tranh

Do chi phí đầu tư ban đầu cao, lại mới thử nghiệm nên anh Đăng chỉ mua 1 máy, tuy nhiên đây là dòng máy đa năng, có khả năng đục tượng cao 5 tấc. Chia sẻ về kỹ thuật điều khiển máy, anh Đăng cho biết: “Cũng không khó lắm, nếu chịu khó tìm hiểu sẽ biết. Tuy nhiên, do mình không được đào tạo chuyên nghiệp nên cái khó nhất là khi máy gặp sự cố, vì mỗi lần như thế phải nhờ kỹ thuật ở TP. Hồ Chí Minh xuống để chỉnh sửa, tốn tiền nhiều. Bởi vậy, mình đang tự mày mò, nghiên cứu sửa chữa máy khi có sự cố để tiết kiệm chi phí”.

Cơ sở của anh Đăng nhận gia công đủ các mặt hàng cho khách, cho thợ mộc ở địa phương. Khi không có đơn đặt hàng, anh Đăng sẽ thiết kế sản phẩm trên máy vi tính, sau đó cho máy chạy. Như vậy, có thể tận dụng hết công sức của máy và có thể chạm ra nhiều sản phẩm để khi khách hàng cần là có bán ngay, không cần chờ đợi. Tùy thuộc vào sản phẩm lớn, nhỏ mà thời gian hoàn thành lâu hay mau, nhưng lợi thế của máy CNC là cùng thời gian đó có thể tạo ra nhiều sản phẩm giống nhau đến từng chi tiết nhỏ.

“Chẳng hạn, đối với sản phẩm tranh “Mã đáo thành công”, kích thước 0,6m x 1,5m, chạm sâu 2,5 phân chỉ mất 4 ngày là hoàn thành 1 sản phẩm hoàn chỉnh, tiền công 2 triệu đồng. Riêng với khách hàng chạm các sản phẩm nhỏ, gọn thì mình tính tiền theo giờ, mỗi giờ máy chạy là 45.000 đồng” - anh Đăng thông tin.

Cơ sở của anh Đăng chủ yếu nhận gia công hàng cho khách, khách đem gỗ, có mẫu mã hoặc ý tưởng kèm theo, anh Đăng sẽ lập trình trên máy, kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất, sau đó máy sẽ tự chạy.

Do được tự động hóa, theo lập trình sẵn có, nên trước khi cho máy chạy, anh Đăng kiểm tra các chi tiết để đảm bảo sản phẩm đẹp nhất đến tay khách hàng 

Trên địa bàn huyện Tịnh Biên chưa có nhiều cở sở sản xuất gỗ mỹ nghệ ứng dụng máy chạm gỗ CNC. Chính vì vậy, cách làm của anh Đăng là hướng đi mới, hiệu quả. Dù đã làm được 3 năm, nhưng thời gian qua, do chưa chuẩn bị được mặt bằng nên anh Đăng phải gửi máy ở chỗ khác, các sản phẩm làm ra phải trừ một phần chi phí nên vẫn chưa đem lại lợi nhuận tốt nhất.

“Đầu năm nay, tôi cho dời máy về nhà làm, coi như bắt tay lại từ đầu nên cũng còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, bằng kinh nghiệm và với mối quan hệ thời gian qua, tin rằng mình sẽ nhanh chóng lấy lại vốn, sinh lãi tốt hơn” - anh Đăng cho hay.

Sản phẩm ở cơ sở của anh Đăng làm ra được khách hàng đánh giá có chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn nhiều nơi khác. Làm ăn thiệt tình, tiếng lành đồn xa, nên ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến để gia công sản phẩm, nhất là thợ mộc.

“Vừa rồi, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng, lãi suất thấp và trả chậm trong 2 năm. Đây là cơ hội để cơ sở mở rộng kinh doanh được tốt hơn, nhất là trong năm nay mở luôn trại làm mộc và cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm của cơ sở làm ra” - anh Đăng chia sẻ.

Đây là một hướng đi phù hợp, vì có thêm cơ hội để anh Tạ Hải Đăng sáng tạo ra nhiều sản phẩm gỗ mới lạ, độc đáo phục vụ nhu cầu của khách hàng. Qua đó, bằng việc khởi nghiệp của bản thân, anh truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích