Thời trang tái chế và những thông điệp

27/04/2018 - 06:52

 - Rác thải có hại như thế nào ai cũng biết nhưng về ý thức giữ gìn “lá phổi xanh” cho hành tinh mình đang sống không phải ai cũng làm được. Với sáng kiến độc đáo, suy nghĩ tích cực nhằm biến rác thải, những đồ vật bỏ đi trở thành vật hữu ích, trào lưu thời trang tái chế đang ngày càng được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Thông điệp bảo vệ môi trường thông qua thời trang tái chế đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là trong những cuộc thi thời trang từ đình đám hay chỉ là cuộc thi “miệt vườn”, người ta vẫn thường chọn chủ đề tái chế để thách thức thí sinh. Chưa hết, một số nhà thiết kế thời trang nổi tiếng lấy cảm hứng từ vật dụng tái chế cho bộ sưu tập mới của mình.

Chẳng hạn như nhà thiết kế Nancy Judd đã sử dụng rác tái chế để cho ra mắt những bộ “cánh” thời trang độc đáo và giới thiệu trên các phương tiện truyền thông nước Mỹ hay ở lớp học.

Không ít trang phục tái chế qua đôi tay tài ba các nhà thiết kế tên tuổi đã trở thành “trào lưu”, không chỉ trên sàn catwalk mà còn lan tỏa trong đời sống.

Thời trang tái chế và những thông điệp

“Người mẫu nhí” với thời trang tái chế

Giới trẻ học đường ngày nay, thầy cô vẫn thường tạo cơ hội cho học sinh của mình thể hiện tính cách, sự sáng tạo qua những buổi trình diễn thời trang làm từ vật dụng tái chế.

Tình cờ tham dự 1 sự kiện có màn trình diễn thời trang tái chế của nhóm học sinh khối 9 (Trường THCS thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn), tôi không khỏi bất ngờ với ý tưởng táo bạo và mới lạ ấy.

Không đơn thuần là sử dụng vật liệu phế thải, các em còn biết vận dụng kiến thức đã học để sáng tạo ra bộ sưu tập mang tên “vũ điệu của gió”, trong sự ngạc nhiên của rất nhiều người.

Các loại rác tưởng chừng như không ai sử dụng như: bao bì, ny-lon, ống hút, giấy vụn, dĩa giấy, chai nhựa... trở thành những bộ dạ hội sang trọng, quý phái khi những “người mẫu” không chuyên khoác lên mình.

“Vật liệu mà chúng em sử dụng cho trang phục của mình có rất nhiều tiện ích, nhưng sau khi sử dụng và được thải ra môi trường. Xử lý bằng cách đốt cháy sẽ thải những chất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ý tưởng thực hiện thời trang tái chế từ đó xuất hiện.

Chúng em muốn thông qua những vật liệu đã qua sử dụng này để tạo thành trang phục hữu ích nhằm cổ vũ cho việc tái chế các loại rác thải khó phân hủy, góp phần giảm ô nhiễm môi trường”- Trần Thị Ngọc Mỹ (học sinh lớp 9A4, Trường THCS thị trấn Phú Hòa) bày tỏ.

“Vũ điệu của gió” gồm 8 bộ váy, vừa mang lại cho người xem sự thướt tha, dịu dàng, vừa có chút tinh nghịch, mạnh mẽ, khỏe khoắn.

Thời trang tái chế và những thông điệp

Bộ sưu tập “Vũ điệu của gió” lấy ý tưởng từ vật dụng tái chế

Đó là chiếc đầm xòe được làm từ hơn 30 bao bìa đựng giấy A4. Để phần chân váy được xòe, các bạn học sinh đã ghép lại từ 8 hình quạt tròn. Đặc biệt là phụ kiện đi kèm - chiếc vòng cổ có dạng phân tử hóa học Nitro-Benzen và chiếc nón “độc”, lạ từ những hình tam giác có kích thước khác nhau.

Hay chiếc váy xinh xắn được làm từ tấm cao su trong và những mảnh vụn của giấy nhún, phụ kiện đi kèm là chiếc vòng hoa nhỏ và chiếc bình hoa nhỏ xinh được tái chế từ chai dầu ăn đã bỏ.

Một trong những trang phục mang tính đột phá của nhóm được làm từ chất liệu ống hút. Nó được thiết kế cầu kỳ với chân váy nhiều tầng bằng ống hút, thân áo làm thành từ những mảnh vụn ống hút.

Độc đáo không kém là chiếc váy ny-lon được phối hợp với áo mưa cũ, thân váy trang trí bằng những ký hiệu toán học (y=x2; y=2x2...), kèm phụ kiện là chiếc cài tóc dạng Parapol. 

Điểm sáng tạo ở đây là các bạn học sinh đã vận dụng thành công kiến thức môn học gắn với ý tưởng bảo vệ môi trường thông qua những loại rác thải.

“Là giáo viên hỗ trợ các em trong suốt thời gian trình bày ý tưởng đến khi thực hiện, tôi thấy các em rất tâm huyết và sáng tạo với bộ sưu tập của mình. Những bộ váy được làm rất công phu nhưng vật liệu tái chế có rất nhiều nên các em thỏa sức thể hiện đam mê.

Với mục đích không chỉ biểu diễn, những trang phục tái chế ấy hoàn toàn có thể được các em mặc ở những buổi tiệc nhẹ hay đi dạo phố. Bởi khi ấy, thông điệp bảo vệ môi trường sẽ được nhân rộng hơn” - chị Phan Ngọc Diễm Châu (giáo viên Trường THCS thị trấn Phú Hòa) chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN