Tình trạng bất bình đẳng đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải đối mặt với vô số rào cản, dù thế giới đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. Thu nhập, trình độ giáo dục, nơi sống, sự phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, tuổi tác đều có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Những nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội có nguy cơ mắc bệnh cao nhất khi phải sống trong môi trường không lành mạnh, thiếu dinh dưỡng… và ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch COVID-19 càng khoét sâu thêm sự bất bình đẳng này khi ước tính hơn một nửa dân số thế giới hiện không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu cơ bản do tác động của đại dịch.
Tình trạng bất bình đẳng đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải đối mặt với vô số rào cản, dù thế giới đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. Ảnh: FT
Với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách chăm sóc”, Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4-2 năm nay hướng tới việc nâng cao nhận thức về tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư và nêu bật những rào cản đang tồn tại trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết. Đây cũng là chiến dịch hành động xuyên suốt kéo dài từ năm 2022 đến năm 2024 với mục tiêu ghi nhận tầm quan trọng của hiểu biết về ung thư, thách thức các định kiến về căn bệnh này, từ đó xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và chữa trị ung thư.
Tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư là một thực tế đang diễn ra ở khắp nơi, bất kể là tại quốc gia có thu nhập cao hay thu nhập thấp. Theo thống kê, hơn 90% các ca tử vong do ung thư cổ tử cung là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tại Mỹ, tỷ lệ sống thêm 5 năm sau khi mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ da trắng là 71%, trong khi con số này ở phụ nữ da màu là 58%. Tại New Zealand, thổ dân Maori có tỷ lệ tử vong do ung thư cao gấp đôi so với những sắc tộc khác. Tỷ lệ trẻ sống sót sau khi chẩn đoán mắc ung thư tại những nước thu nhập cao là 80%, trong khi ở các nước thu nhập thấp, tỷ lệ này là 20%. Trong khi rào cản về văn hóa và ngôn ngữ khiến những người tị nạn thường được chẩn đoán ung thư muộn, thì những người chuyển giới lại có tỷ lệ tầm soát ung thư thấp hơn so với những người khác trong xã hội do bị kỳ thị.
Khi cơn sóng COVID-19 ập đến, cả thế giới phải tập trung mọi nguồn lực sẵn có để gồng mình chống dịch, kéo theo hàng loạt dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư bị trì hoãn, ngưng đột ngột do nhiều nhân viên y tế phải chuyển sang hỗ trợ các khoa điều trị tích cực, nhiều bệnh viện bị quá tải khi phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Các lệnh hạn chế đi lại, yêu cầu cách ly và nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 khiến những người mắc ung thư và thuộc nhóm yếu thế trong xã hội lại phải gánh thêm mối lo, không thể duy trì phác đồ điều trị, hay sớm thực hiện xét nghiệm tầm soát, đối mặt với nguy cơ mất bảo hiểm, thu nhập do chi phí y tế tăng và mất việc làm. Những người tị nạn, di cư không có giấy tờ, vốn đã khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, nhu yếu phẩm và không có chính sách hỗ trợ càng có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, khi nguồn lực chống dịch có hạn buộc các chính phủ ưu tiên bảo vệ sức khỏe của công dân.
Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cũng làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế từ xa, song việc thiếu tiếp cận công nghệ và kiến thức về sức khỏe đã khiến các nhóm thiểu số khó tự bảo vệ mình, không được chăm sóc và theo dõi sức khỏe định kỳ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở các bệnh nhân ung thư. Việc điều trị chậm trễ hay phát hiện muộn đều sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Theo Mạng lưới Hành động của Tổ chức Ung thư Mỹ (ACS CAN), ung thư là nguyên nhân khiến 600.000 người tử vong tại nước này mỗi năm. Các xét nghiệm tầm soát như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung, chụp X-quang tuyến vú, nội soi đại tràng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư, giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này. Khi đại dịch COVID-19 lan rộng ra khắp nước Mỹ, số người thực hiện tầm soát định kỳ đã giảm mạnh. Trong giai đoạn cao điểm dịch vào tháng 4-2020, tỷ lệ đi tầm soát ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi đã lần lượt giảm ở mức 85%, 75%, 74%, và 56% so với năm 2019. Viện Ung thư quốc gia Mỹ ước tính sự chậm trễ trong công tác chẩn đoán sẽ là nguyên nhân khiến số ca tử vong do ung thư đại tràng và ung thư vú tăng lên gần 10.000 ca trong 10 năm tới. Một cuộc khảo sát do ACS CAN thực hiện vào tháng 5-2020 cho thấy trong số những người đang điều trị, có tới 79% khẳng định các dịch vụ chăm sóc như xạ trị, hóa trị hay sử dụng hormone đang bị gián đoạn.
Tương tự, tại Anh, theo trang news.cancerresearchuk.org, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi tuần Anh có khoảng 210.000 người thực hiện xét nghiệm tầm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến mọi dịch vụ bị trì hoãn, ước tính đến tháng 9-2020 khoảng 3 triệu người Anh vẫn đang chờ được tầm soát ung thư. Số bệnh nhân bắt đầu điều trị trong giai đoạn từ khi dịch bùng phát đến tháng 3-2021 đã giảm 45.000 người. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y học Anh cảnh báo nhiều bệnh nhân ung thư bị chậm điều trị một tháng có nguy cơ tử vong từ 6-13%. Đại dịch có thể khiến số ca tử vong do ung thư tại nước này tăng ít nhất 20%.
Theo số liệu thống kê tại 17 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), có khoảng 100 triệu xét nghiệm tầm soát đã không thể thực hiện, trong khi có tới một nửa số bệnh nhân ung thư bị chậm điều trị do COVID-19. Số người không hề biết mình đang phải sống chung với bệnh lên tới 1 triệu người. Trong khi đó, trong làn sóng đầu tiên của dịch COVID-19 tại Ấn Độ, số ca chẩn đoán mắc ung thư tại nước này đã giảm 38%, số bệnh nhân ung thư mới giảm 54%, số bệnh nhân tiếp tục điều trị giảm 46%. Đây là những con số đáng lo ngại khi có nhiều người mắc ung thư mà không được chẩn đoán kịp thời và sớm được chữa trị, yếu tố tiên quyết giúp vượt qua căn bệnh quái ác này.
Mặc dù vấn đề bất bình đẳng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư là không thể tránh khỏi, song thế giới có thể phối hợp thu hẹp khoảng cách thông qua việc năng cao nhận thức về phòng ngừa bệnh, trang bị kỹ năng và kiến thức cho các nhân viên y tế về tác động của vấn đề bất bình đẳng tới việc chăm sóc bệnh nhân ung thư, đảm bảo dịch vụ y tế cơ bản đến với mọi cộng đồng, giải quyết các yếu tố tiêu cực về kinh tế xã hội thông qua các chương trình và chính sách hỗ trợ, tăng cường nhân lực và đầu tư cho nghiên cứu ung thư, áp dụng các kế hoạch phòng ngừa ung thư phù hợp với đặc thù từng nước. Theo Tổ chức Ung thư châu Âu, cần phải có sự thay đổi đồng bộ từ khu vực, đến mỗi quốc gia, trung tâm và từng nhân viên y tế. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công tác điều trị và tầm soát ung thư cần phải được duy trì song song với an toàn phòng dịch. Tại Ấn Độ, các bệnh viện và trung tâm y tế đã tách riêng khu điều trị ung thư với các phòng bệnh COVID-19 để người dân có thể yên tâm điều trị.
Thành công của cuộc chiến chống ung thư sẽ phụ thuộc vào tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế kịp thời, chất lượng cao với giá cả phải chăng. Không có bảo hiểm, người bệnh sẽ khó có khả năng được tầm soát, đối mặt với nguy cơ chẩn đoán muộn, chi phí điều trị tăng và nguy cơ tử vong cao. Trong thông điệp kêu gọi xóa nhòa khoảng cách chăm sóc ung thư, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định cộng đồng quốc tế cần chung tay hành động để ngăn ngừa ung thư và đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng trong mọi hoàn cảnh.
Theo ĐẶNG ÁNH (Báo Tin tức)