Thống nhất các dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương

22/10/2021 - 12:08

 - Sáng 22-10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 3 bằng hình thức trực tuyến đến 62 điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong cả nước.

ĐBQH Phan Huỳnh Sơn phát biểu thảo luận

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Quốc hội đã dành thời gian để các đoàn ĐBQH thảo luận 4 dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH An Giang thống nhất với các dự thảo nghị quyết trên; tán thành về sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển cho các tỉnh. Các vị ĐBQH cho rằng, đây là những nghị quyết làm tiền đề giúp các tỉnh, thành phố khác căn cứ vào quá trình phát triển, tiềm năng của mình; sự lan tỏa của cơ chế này, tạo sự phát triển đồng đều trong khu vực.

Các đại biểu đề xuất làm rõ thêm về vấn đề “đặc thù” của từng địa phương. Về Khoản 2, Điều 2 của các dự thảo Nghị quyết (đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh) nhắc đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp..., đề xuất bổ sung thêm 1 tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách, đó là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị.

Tại Hà Nội, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cũng đề xuất cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để các địa phương này chủ động, linh hoạt trong quyết định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Mặt khác, việc thí điểm được hiểu là sau thời gian thí điểm sẽ tổng kết, đánh giá để xem xét nhân rộng, áp dụng cơ chế, chính sách trên phạm vi cả nước.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, lựa chọn địa phương để thực hiện thí điểm, chú trọng tính đại diện của các vùng kinh tế - xã hội, trong đó có khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH