Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn thực hiện Thông tư dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với các Sở Y tế; Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành cấp giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, chứng tử; một số bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc, giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), với 5 nhóm tiện ích, 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu.
Việc phê duyệt Đề án 06 là một đột phá trong chuyển đổi số của Việt Nam, là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, thiết thực, hiệu quả. Những lợi ích trước mắt, lâu dài của đề án có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống người dân, góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, giảm phiền hà cho người dân.
Trong Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ thực hiện liên thông các cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu dân cư, đặc biệt là liên thông dữ liệu phục vụ các nhóm dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm: liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe cấp tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn ngành y tế, ngày 27/1/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 225/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác triển khai đề án; đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công an, Tư pháp, Giao thông Vận tải và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thống nhất liên ngành dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe.
Sau hơn 2 tháng triển khai, với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, 63/63 Sở Y tế đã triển khai thực hiện liên thông dữ liệu, cụ thể: 1.200 cơ sở y tế đã được cấp tài khoản, 673 cơ sở khám, chữa bệnh đã liên thông dữ liệu, 56.300 giấy phép lái xe, 1.500 giấy chứng sinh, hàng trăm giấy báo tử đã liên thông lên Cổng Giám định bảo hiểm y tế để liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, sẵn sàng phục vụ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyển cấp độ 4.
Nhiều tỉnh, thành phố đã triển khai tích cực, có kết quả tốt như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Dương, Gia Lai...
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, nhiều đơn vị lãnh đạo chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của các hoạt động liên thông dữ liệu phục vụ Đề án 06, chưa có kế hoạch triển khai, chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động; chưa có phần mềm quản lý dữ liệu ở tại đơn vị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh, được sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Tổ công tác Đề án 06, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng các phương án kỹ thuật, văn bản, làm việc với Bộ Y tế để làm rõ các yêu cầu, thống nhất về cách thức triển khai, qua đó thực hiện nâng cấp, điều chỉnh các hệ thống phần mềm, bố trí hạ tầng kết nối, chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật khi cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế.
Theo số liệu thống kê trên hệ thống phần mềm, từ tháng 1/2023 đến 15 giờ ngày 21/3/2023, toàn quốc có 1.079 cơ sở khám, chữa bệnh được phê duyệt gửi dữ liệu khám sức khỏe lái xe, trong đó có 658 cơ sở đã gửi dữ liệu, với 56.132 dữ liệu được gửi.
Đối với dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, sau hơn 20 ngày triển khai, hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ghi nhận có 147 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.444 dữ liệu được gửi; 32 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 57 dữ liệu được gửi...
Tại hội nghị, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ đã giới thiệu về ý nghĩa của Đề án 06, 17 nhiệm vụ cần thực hiện của Bộ Y tế. Cục Khám, chữa bệnh, Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn.
Cơ quan Bảo hiểm Việt Nam hướng dẫn, giải đáp các nội dung kỹ thuật liên thông dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế, như đăng ký tài khoản, ký số, trích chuyền dữ liệu... Qua đó, các đơn vị liên quan hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, nắm rõ quy trình, cách thức thực hiện việc liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ được giao./.
Theo PHÚC HẰNG (TTXVN/Vietnam+)