Tại hội nghị, đại biểu được nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; những điểm mới trong dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”; kế hoạch triển khai thực hiện.
.jpg)
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dự hội nghị tại điểm cầu TP. Châu Đốc
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau hội nghị là bắt tay thực hiện được ngay. Tôi cho rằng các đồng chí đã xác định được những công việc cần làm trong thời gian tới tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Từng cán bộ, đảng viên dự hội nghị cũng đã hình dung ra được trách nhiệm cá nhân trong “cuộc cách mạng” chung của đất nước. Sau hội nghị này, cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của nghị quyết; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh (cán bộ hưu trí phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Lần đầu tiên một hội nghị triển khai nghị quyết của Đảng được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho Nhân dân xem, theo dõi. Qua đó, đã giải tỏa rất nhiều tâm trạng của người dân xung quanh việc bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh, giảm bớt đơn vị cấp xã. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn vấn đề: Nhập tỉnh như vậy sẽ tạo lên sức bật mới thế nào cho tỉnh mới? Đơn cử như tỉnh Kiên Giang sáp nhập với An Giang, cần phải thông tin tuyên truyền để người dân hình dung điểm mạnh ra sao? Tôi nghĩ rằng, nếu làm rõ thêm, chắc chắn cử tri sẽ phấn khởi hơn”.
Trong buổi tiếp xúc cử tri TP. Long Xuyên trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Hội nghị Trung ương 11 được xem là “hội nghị lịch sử”, quyết định những vấn đề hết sức quan trọng của đất nước, sau đó được quán triệt đến toàn dân, chứ không chỉ trong toàn Đảng. Chỉ khi người dân hiểu rõ chủ trương lớn, cùng đồng tình thực hiện thì mới đem lại hiệu quả cao. Tốc độ công việc hiện nay rất nhanh, rất gấp, trong khi yêu cầu lại rất cao. Từng cán bộ, đảng viên, người dân cần tự hào khi được sống trong bối cảnh lịch sử này.
Trao đổi về băn khoăn của cán bộ hưu trí Nguyễn Quốc Khánh, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân cho rằng: “Cá nhân tôi nhận thấy, việc sáp nhập 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, cả hai tỉnh sẽ mạnh hơn, khi có không gian rộng lớn hơn (khoảng 10.000km2), tạo thành dư địa phát triển kinh tế, mô hình sản xuất lớn, chất lượng cao. Địa hình của tỉnh mới cũng phong phú hơn, với núi, sông, đồng bằng, biển đảo trải dài. Dân số tăng, tương ứng với chất lượng nguồn nhân lực sẽ được nâng lên. Cùng với đó, quản trị địa phương sẽ thay đổi (từ quản lý hành chính sang quản trị phục vụ), để thực sự gần dân, sát dân, nắm bắt nhanh chóng tình hình trong dân. Chúng ta sẽ áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, không còn níu kéo những cái cũ, những cái không phù hợp nữa”.

Cán bộ, đảng viên quan tâm theo dõi hội nghị
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 11, là kỳ họp 9 Quốc hội khóa XV, tiếp tục quyết sách những nội dung đặc biệt quan trọng, tạo hành lang pháp lý để trước ngày 30/6, hoàn thành sửa đổi Hiến pháp và pháp luật liên quan; bắt đầu kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới đi vào hoạt động từ ngày 1/7 theo lộ trình chuyển tiếp, hoàn thành toàn bộ trước ngày 15/8; hoàn thành sáp nhập tỉnh, thành phố trước ngày 1/9; hoàn thành Đại hội Đảng tại cấp xã trước ngày 31/8; hoàn thành Đại hội cấp tỉnh trước ngày 31/10; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vào đầu quý I/2026; bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 3/2026.
Ông bà ta đã đúc kết “tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất”. Vì vậy, rất cần cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Các quy trình, thủ tục lấy ý kiến Nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập tỉnh, xã, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ “thông suốt tư tưởng”.
GIA KHÁNH