Thu lợi từ phụ phẩm cây lúa

22/09/2020 - 04:38

 - Sau khi thu hoạch lúa, thay vì phải đốt rơm trên đồng, tạo ra khói bụi, gây ô nhiễm môi trường, nông dân ở An Giang đã có những cách làm rất hiệu quả giúp tận dụng lượng phụ phẩm này. Cụ thể, lượng rơm tươi khi thu hoạch lúa hay sau khi làm nấm đã được phát triển thành những sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, giúp người dân thu được nguồn lợi đáng kể.

Đây là một trong chuỗi chương trình thuộc dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” của An Giang và Pitea (Thụy Điển). Hiện nay, dự án đã và đang tiếp tục thực hiện các chương trình về tận dụng rơm rạ từ năm 2015 đến nay. Có thể nói, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là góp phần nâng cao ý thức của người dân về giá trị phụ phẩm, nâng cao chuỗi giá trị cây lúa. Đồng thời, cải thiện thu nhập cho người dân và giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa, gạo.

Năm 2020, dự án tiếp tục thực hiện 3 chương trình: trồng nấm rơm, ủ phân bón từ rơm, ủ rơm làm thức ăn nuôi bò. Mới đây, Ban Quản lý dự án An Giang - Thụy Điển phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Châu Thành đã tổ chức các lớp tập huấn giúp người dân hiểu biết thêm về kỹ thuật thực hiện cũng như tạo điều kiện nhân rộng các chương trình trong cộng đồng, giúp bà con được hưởng lợi một cách hiệu quả nhất. Tại các buổi tập huấn, bà con nông dân được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm tươi cũng như tận dụng rơm sau khi làm nấm phát triển thành sản phẩm phân bón hữu cơ; ủ rơm làm thức ăn cho gia súc; ủ rơm làm nấm rơm hiệu quả nhất. Tất cả sẽ tạo ra được quy trình khép kín từ đầu vào, đầu ra, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Tận dụng phụ phẩm từ cây lúa, giúp nông dân kiếm thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường

Là nông dân có kinh nghiệm trồng nấm rơm 10 năm nay, anh Dương Văn Tài (xã Vĩnh Lợi, Châu Thành) đã thử qua rất nhiều mô hình trồng nấm rơm ngoài trời, chất kệ trong nhà, hiện đang thành công với trồng nấm rơm dạng trụ. Mô hình trồng nấm rơm dạng trụ được các kỹ sư của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành hướng dẫn và triển khai thực nghiệm từ năm 2019. Đây là mô hình nằm trong chương trình hợp tác của An Giang và Thụy Điển. Theo anh Tài, nấm rơm là nghề chính nên anh phải trữ rơm để trồng quanh năm, hầu như có nấm cung cấp thường xuyên cho thị trường, trại này “gối đầu” cho trại kia, nhờ vậy mà kinh tế khá ổn định.

Làm nấm nhiều, lượng rơm sau khi làm nấm xong khá lớn. Không bỏ đi, anh Tài đã tận dụng được nguồn phụ phẩm từ việc trồng nấm rơm này để kiếm thêm thu nhập bằng việc bán cho những hộ trồng màu, hoa kiểng... Tuy nhiên, công việc này tốn khá nhiều công sức và thời gian. Chẳng hạn, rơm sau khi làm nấm phải để cho mục, phơi đủ nắng cho khô, sau đó cho vào bao đem bán. Mỗi bao khoảng 40kg, giá từ 40.000-50.000 đồng, tùy số lượng ít hay nhiều. Nếu muốn giá bán cao hơn phải có kho trữ lại, bán cho những hộ trồng hoa kiểng vào tháng 10, 11 (âm lịch). Từ đầu năm đến nay, anh Tài đã bán hơn 1.000 bao rơm ra thị trường. Mới đây, anh Tài cũng như nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Thành đã được dự án hỗ trợ 5 máy băm rơm, giúp đỡ người dân rất nhiều trong việc tận dụng nguồn phụ phẩm từ rơm, như: ủ phân, làm thức ăn cho bò... “Có máy băm rơm tiện lợi hơn rất nhiều, rơm sau khi làm nấm, được máy băm nhuyễn nên chỉ cần phơi khoảng 1 tuần là khô, công đoạn vô bao và trữ lại dễ hơn rất nhiều” - anh Tài cho hay.

Được mệnh danh là “Nhà khoa học của nhà nông”, anh Trần Trung Hiếu có nhiều sản phẩm sáng tạo giúp sản xuất nông nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần bảo vệ môi trường. Mới đây nhất là sản phẩm phân rơm hữu cơ của Công ty TNHH Nông nghiệp Gia Khánh (Châu Thành) được thị trường đón nhận, vì vừa tăng độ màu mỡ cho đất lại an toàn với môi trường. Theo anh Hiếu, hiện nay sản phẩm phân rơm hữu cơ của công ty anh Hiếu đã phân phối tại các cơ sở bán hoa kiểng khắp tỉnh và chuẩn bị có chiến lược phát triển ở ngoài tỉnh.

“Từ ý tưởng về sản phẩm thân thiện môi trường nên mình suy nghĩ làm sao làm ra được sản phẩm từ rơm nhằm giúp nông dân xử lý phần rơm bỏ ra từ việc làm nấm. Hiện nay, sản phẩm phân rơm được ủ theo 2 dòng, vừa tái chế từ rơm làm nấm, vừa ủ từ rơm tươi” - anh Hiếu thông tin. Điểm mạnh của sản phẩm có đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng và có lượng humic khá cao. Qua đó, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng phát triển, cũng như hỗ trợ việc giúp đất tơi xốp hơn. Anh Hiếu liên kết với nông dân thu mua rơm bỏ ra từ việc trồng nấm để phát triển sản phẩm phân rơm hữu cơ.

ÁNH NGUYÊN