Tối ngày 8-9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm-Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương có di sản trong cả nước.
Ngày 4-12-1999, tại hội nghị lần thứ 23 tại thành phố Marrakesh, Morocco, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) vinh danh Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới. Sau đó 10 năm, ngày 26-5-2009, Cù Lao Chàm- Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Đô thị cổ Hội An.
Tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ: 20 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã huy động các nguồn vốn để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích; Quảng bá giá trị của các di sản, xây dựng điểm đến du lịch văn hóa và sinh thái nổi tiếng mang tầm quốc tế. Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học, trung tâm nghiên cứu nước ngoài trong công tác trùng tu di tích, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, bảo vệ và làm giàu có thêm tài nguyên bản địa.
Tỉnh Quảng Nam cũng coi trọng việc giữ gìn các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội dân gian giàu truyền thống văn hóa - nhân văn của cư dân địa phương. Khu Đền tháp Mỹ Sơn bước đầu tái hiện một số lễ hội dân gian, nghệ thuật truyền thống văn hóa Chăm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản của Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Nam.
Thành phố Hội An tập trung bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian và nghệ thuật diễn xuớng đặc sắc như Bài chòi; Đồng thời, hình thành những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể khẳng định việc tái hiện, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể, càng làm nổi bật những nét đặc trưng của một trong những trung tâm văn hóa và du lịch của đất Quảng cũng như của cả nước.
Thủ tướng trao quà tặng tỉnh Quảng Nam nhân dịp kỷ niệm.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong công tác bảo tồn di sản, UNESCO xem Quảng Nam là điểm sáng trong công tác bảo tồn di sản. Quảng Nam còn phát huy tốt giá trị di sản trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, sự tham gia của cộng đồng địa phương được coi trọng. ông Michael Croft đánh giá, Công tác quản lý di sản thời gian qua có đóng góp rất lớn của cộng đồng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự kiện vào ngày 23-11-1945, 3 tháng sau khi nước nhà độc lập, Bác Hồ đã ký sắc lệnh về bảo tồn cổ tích, trong đó coi việc bảo tồn các di sản trên toàn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược đối với công cuộc kiến thiết quốc gia.
“Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Bác Hồ đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu tầm nhìn, quan điểm, hành động và ứng xử của Bác trước từng vấn đề cụ thể, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Một tiết mục múa Chăm được phục dựng.
Thủ tướng cho rằng, mỗi một di sản hiện diện trên đất nước là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại. Một trong điển hình là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Theo Thủ tướng, hiếm có nơi nào trên cùng một địa phương với hơn 10.000 km2 mà có đến 2 di sản văn hóa thế giới độc đáo, huyền bí như Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và cả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An và hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, tự nhiên khác.
Đây cũng là nơi hội tụ và giao thoa nhiều giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử và tâm linh đến các nền văn minh cổ đại như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Sa Huỳnh, Chămpa…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngày nay, Quảng Nam đã và ngày càng nổi bật, thể hiện khát vọng sâu sắc về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, cởi mở, hiếu khách, có chiều sâu văn hóa, đậm chất di sản cùng với sự kết nối, hội nhập khu vực và toàn cầu. Nhưng, đồng thời Quảng Nam cũng cho thấy một Việt Nam kiên cường, quật khởi, giàu ý chí dân tộc, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc.
“Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch. Quan trọng và trên hết cả là lòng tự hào, tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành và phát triển của đất nước” - Thủ tướng khẳng định.
Lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả những nơi có sự hiện diện di sản phải là những địa chỉ đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường, bao gồm việc nâng cao triệt để ý thức sử dụng rác thải nhựa, túi ny long, đồ dùng nhựa một lần… Tất cả những địa danh di sản Việt Nam, trong đó có Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cần đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển các sản phẩm du lịch, mô hình dịch vụ một cách đa dạng, bền vững, phù hợp với bản sắc văn hóa, đảm bảo hài hòa về kinh tế-xã hội và môi trường.
Thủ tướng lưu ý công tác bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Đồng thời ngành văn hóa, thể thao và du lịch có kế hoạch kết nối các điểm đến của các di sản, trước hết là các trung tâm đô thị lớn và khu vực miền trung- Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc, ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hướng đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, là sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu, cũng như chính nghĩa của chúng ta trước công luận quốc tế.
Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan cần có những nghiên cứu sâu sắc nhằm phục vụ cho mục đích, sứ mệnh và nhiệm vụ chiến lược nêu trên.
Theo VOV