Thủ tướng: Kiên quyết cách ly người từ vùng dịch vào Việt Nam

27/02/2020 - 14:38

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết cách ly những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Các lực lượng phải sẵn sàng phương án đề phòng tình huống xấu xảy ra.

Sáng 27-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

thu tuong: kien quyet cach ly nguoi tu vung dich vao viet nam hinh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19), nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Đối với việc trở lại đi học của học sinh, Thủ tướng nêu rõ, việc này sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, Thành phố xem xét theo khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 mà Bộ đã công bố. Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng khung một cách hiệu quả, tốt nhất.

Kiên quyết cách ly

Sau khi các bộ, ngành phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã có những thành công quan trọng ban đầu, 16 ca dương tính đều khỏi bệnh và ra viện.

Chính phủ đã làm tất cả với tinh thần cao nhất trong bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đã có đối sách đúng, kiên quyết cách ly đối với cộng đồng với các ca dương tính. Các giải pháp có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Các giải pháp của Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết cách ly những người từ vùng dịch vào Việt Nam. Các lực lượng phải tiếp tục các phương án chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu xảy ra. Bởi nếu chúng ta để cả người Việt Nam và nước ngoài trong vùng dịch vào Việt Nam thì dịch sẽ lan tràn ra cộng đồng. Đó là điều rất tối kị, và bài học kinh nghiệm rút ra là giải pháp ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

"Chúng ta đã làm tốt sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với người cách ly. Chúng ta tiếp tục tạo điều kiện cho người cách ly có sinh hoạt bình thường. Nếu không cách ly dẫn đến tâm lý anh cứ về Việt Nam thì được về cộng đồng, được về nhà nghỉ ngơi thì lây truyền này sẽ rất phổ cập ở nhiều tỉnh, thành. Lây lan sẽ rất nghiêm trọng không kiểm soát được" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan phải giải thích cho người từ vùng dịch phải cách ly và cần có thái độ kiên quyết; khuyến cáo công dân ở đâu thì thực hiện tốt hướng dẫn của nước sở tại. Những người tiếp xúc với người dương tính đều phải kiểm tra.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục không tập trung đông người, không tổ chức các cuộc họp, hội nghị nếu không cần thiết. Trong đó, Thủ tướng lưu ý có thông tin về việc có gần 1.000 người họp về sách giáo khoa tại khách sạn Mường Thanh ở Thanh Hóa và nêu rõ, nếu đúng thì đây là việc cần phải nhắc nhở đối với Thanh Hóa.

Nhắc lại bài học chống dịch của Vĩnh Phúc, Thủ tướng cho biết, tỉnh vừa chống dịch vừa thúc đẩy hoạt động kinh tế hiệu quả, tăng trưởng kinh tế 2 tháng đầu năm không những không giảm mà còn tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ.

Chuẩn bị tốt để bứt phá

Về tình hình dịch thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình diễn biến của Covid-19 phức tạp, một số nước xuất hiện ổ dịch mới, nhưng chúng ta có niềm tin tình hình dịch sẽ được kiểm soát cơ bản và tiến triển tốt vào quý 2 sắp tới. Kinh tế thế giới sẽ có diễn biến tích cực. Kinh tế Mỹ đang lạc quan, một số kinh tế chủ chốt thế giới kể cả có dịch sẽ khởi sắc, lấy lại đà tăng trưởng.

"Tôi nói điều này để các bộ, ngành có tính toán phương án, bố trí lực lượng, kể cả lực lượng lao động và vật tư, vật liệu sản xuất. Cho nên các bộ, ngành, địa phương ngay từ thời điểm này, bên cạnh kiên quyết ngăn chặn Covid-19 có hiệu quả thì cần có tư duy đột phá chính sách và hành động để năm 2020 tiếp tục là thành công về kinh tế, ổn định về xã hội, hoàn thành đầy đủ mục tiêu Đảng, Nhà nước và nhân dân giao” - Thủ tướng nói.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục công bố rõ hơn chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ nền kinh tế, như giảm lãi suất, giãn nợ. Hơn lúc nào hết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp giãn, hoãn, chậm nộp thuế, thậm chí giảm lệ phí logistics, giãn thời gian nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để tạo đà cho các đơn vị sản xuất kinh doanh. Những quy định nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Trong đó, cần tăng chi tiêu cho an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ đối với người dân vùng dịch bệnh.

Cho biết, sắp tới sẽ có một Chỉ thị của Thủ tướng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, có sự chuẩn bị để tăng tốc thời gian tới, đồng thời biểu dương Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cử thứ trưởng sang Anh để tìm thị trường du lịch. Bộ Công thương cũng đã họp để có giải pháp không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, tìm nguyên liệu cho sản xuất ngay trong tháng 3 tới....

Chủ động sàng lọc, giám sát, cách ly

Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tính đến 9h00 sáng 27-2, số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số ca nhiễm của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu.

Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19 với 49 quốc gia-vùng lãnh thổ công bố có người mắc. Hàn Quốc hiện là quốc gia có số trường hợp mắc tăng nhanh và cao nhất ngoài Trung Quốc (1.595 mắc, 12 tử vong), tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang. Chính phủ Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất.

Tại Việt Nam, từ ngày 13-2 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới. Tổng số trường hợp nghi ngờ, đang theo dõi, cách ly là 92 người. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe 5.474 người.

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo quốc gia đã yêu cầu Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam.

Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11-02-2020, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi Cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly ngay lập tức các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch. Khuyến cáo đối với người Hàn Quốc đang đi du lịch tại Việt Nam không tiếp tục hành trình và sớm trở về nước.

Đối với người Việt Nam đang sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các Bộ liên quan lập ngay danh sách, nơi ở của lưu học sinh, người lao động (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và người kết hôn sinh sống tại Hàn Quốc, cung cấp cho cơ quan xuất nhập cảnh và hàng không để chủ động sàng lọc, tổ chức giám sát, cách ly y tế theo quy định nếu về Việt Nam.

Theo VŨ DŨNG (VOV)