Nếu như đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuyến thăm là để nhận được sự đảm bảo rằng, những lo ngại của Nhật Bản sẽ được lắng nghe trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên, thì đối với Mỹ, nước này tin rằng, những đảm bảo dành cho Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên sẽ ít nhiều giúp Mỹ không bị "cô lập hoàn toàn tại" Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) sẽ khai mạc ngày 8-6 tại Canada.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 10-2-2017. Ảnh: WSJ
Cuộc gặp lần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, trước khi hai nhà lãnh đạo lên đường sang Canada dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến khai mạc ngày 8-6.
Đây là thời gian để Thủ tướng Shinzo một lần nữa nhắc lại với Tổng thống Mỹ đừng quên Nhật Bản nằm trong tầm tên lửa của Triều Tiên khi đối thoại với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. Điều này đã một lần nữa cho thấy mức độ lo ngại của Nhật Bản trước sự kiện này.
Cần phải nhắc lại, kể từ sau thông báo về khả năng một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gần như trong hầu hết các phát biểu mình, Thủ tướng Nhật Bản, cũng như các quan chức cấp cao nước này đều không quên nhắc nhở Mỹ không nên quên mối an nguy của đồng minh số một tại châu Á trong tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử với Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Thủ tướng Shinzo Abe nói: “Trước Hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều, cuộc gặp giữa tôi và Tổng thống Donald Trump sẽ giúp tăng cường sự phối hợp nhằm thúc đẩy tiến trình giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tôi muốn đảm bảo rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều sẽ là một thành công”.
Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Mỹ thừa hiểu những lo ngại của đồng minh Nhật Bản trong hồ sơ Triều Tiên, đó là muốn nước này phải giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, cũng như tên lửa các loại. Vậy tại sao Nhật Bản vẫn lo ngại? Đó chính là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới tại Mỹ.
Người Nhật Bản e ngại Tổng thống Donald Trump có thể vì muốn “chinh phục cử tri” sẽ tìm một thỏa thuận với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bảo vệ an ninh Mỹ trước tiên, và đặt Nhật Bản vào tầm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Theo ông Richard Armitage, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện có một nguy cơ thực sự đó là Nhật Bản "có thể bị cô lập" sau Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại Singapore. Vì thế, nước này sẽ phải cố gắng làm thế nào để vấn đề an ninh của Nhật Bản không bị tách rời khỏi an ninh của nước Mỹ.
Nhật Bản cũng kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều để giải quyết một vấn đề quan trọng khác và cũng là mối quan tâm hàng đầu của công luận Nhật Bản: đó là số phận của các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970. Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo sẽ không trợ giúp bất cứ điều gì cho Triều Tiên nếu 3 vấn đề này không được giải quyết. Tại cuộc gặp diễn ra cách đây 2 tháng tại Florida, Tổng thống Donald Trump đã hứa với Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đề cập vấn đề chính trị nhạy cảm này trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Mặt khác, đối với Mỹ, cuộc gặp với Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản vào thời điểm này cũng rất quan trọng, không chỉ giúp xoa dịu đồng minh Nhật Bản về một thỏa thuận có thể với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mà còn giúp nước này không bị “cô lập” tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) khai mạc ngày mai tại Canada. Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu nhôm và thép đã đặt nước này vào thế đối đầu với chính các nước đồng minh truyền thống như Liên minh châu Âu, Canada và cả Nhật Bản.
Phát biểu trước khi lên đường sang Mỹ, Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, mọi biện pháp nhằm kiềm chế thương mại toàn cầu sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào. Với tham vọng có thể thuyết phục đồng minh thân cận Mỹ miễn trừ thuế nhôm và thép nhập khẩu, song Nhật Bản đã phải thất vọng sau khi các cuộc đàm phán thất bại.
Chính phủ Nhật Bản đã cảnh báo “tác động tiêu cực” mà biện pháp này gây ra, không chỉ đối với hợp tác kinh tế Nhật Bản và Mỹ, mà còn đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu. Theo các nhà phân tích, dù chắc chắn Nhật Bản không thể chung quan điểm với Mỹ trong vấn đề thương mại, song chí ít cũng sẽ không đẩy Mỹ vào tình cảnh bị “cô lập hoàn toàn” tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này.
Theo THU HOÀI (VOV)