Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao

27/11/2023 - 14:15

Sáng 27/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ trực tuyến với các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố để đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Kết quả năm 2023 tốt hơn năm 2022

Trong 11 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, đạt 65,1%, cao hơn 6,77% so với cùng kỳ và số tuyệt đối cao hơn so cùng kỳ hơn 122,6 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước tốt hơn so với năm 2022, song hiện còn 41 bộ, cơ quan Trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phân tích nguyên nhân đạt được, bài học kinh nghiệm, nhất là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân và thực hiện đầu tư công chưa đạt mong muốn; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giải ngân đầu tư công.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến các địa phương. Ảnh: Lâm Khánh/ TTXVN

Theo phản ánh của các đại biểu, việc giải ngân đầu tư công chậm do một số nguyên nhân như: Khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thủ tục đầu tư còn rườm rà; một số quy định pháp luật chồng chéo, trùng lắp, mới được điều chỉnh; công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý đấu thầu, ký hợp đồng thực hiện bị kéo dài; đặc biệt, còn tâm lý lúng túng, e ngại của một số cán bộ thực thi công vụ liên quan đến đầu tư công...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ đã xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị quyết, 1 Chỉ thị, 6 Công điện/văn bản để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và đưa nội dung về đầu tư công vào các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; lập 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, công tác giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt kết quả tốt hơn năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công; yêu cầu các cơ quan, địa phương nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó phải quyết liệt triển khai các giải pháp để cải thiện giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, địa phương mình nhanh và hiệu quả.

“Các bộ, cơ quan, địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, xử lý các vướng mắc, ách tắc trên thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; những đơn vị, cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng chỉ rõ.

Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nêu rõ, việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn chủ yếu, như: Công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém, nên vướng mắc khi triển khai; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, cơ quan, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, nhất là trong xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án; thậm chí còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách Nhà nước năm 2023, trong khi khối lượng giải ngân còn khá lớn (khoảng 247 nghìn tỷ đồng); vì vậy yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương nêu cao tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch được giao với quan điểm chủ đạo.

Theo Thủ tướng, để đạt mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các Nghị quyết, Kết luận của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Cùng với đó, bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc; hoàn thiện các chế tài để có công cụ xử lý hiệu quả hơn các đơn vị, tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Lấy kết quả giải ngân đầu tư công đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ

Khẳng định, đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc, các công trình, dự án liên vùng, có tính lan tỏa cao... Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu duy trì hoạt động 5 Tổ công tác của Chính phủ và cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương; duy trì các Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND các tỉnh làm tổ trưởng, để thúc đẩy đầu tư công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý, thay thế kịp thời các công chức, viên chức yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để kéo dài, lãng phí.

Các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án, lựa chọn dự án giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án, công trình, kế hoạch đầu tư; tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đầu tư công, nhất là trong công tác thẩm định, giao vốn, kiểm soát chi; đồng thời, tăng cường hậu kiểm.

Thủ tướng cũng  yêu cầu các bộ, ngành căn cứ vào nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn trong công tác giải ngân đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát huy vai trò quản lý nhà nước về đầu tư công, theo sát, đôn đốc, hướng dẫn, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đề xuất điều chuyển vốn những nơi, dự án giải ngân chậm sang những dự án, những nơi giải ngân hiệu quả; sớm trình Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng thời gian quy định và triển khai kế hoạch ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, không để “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Bộ Tư pháp rà soát những vướng mắc liên quan giải ngân, nhất là thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đặc biệt qua hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Các Bộ Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có kết luận về sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền.

Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thường xuyên cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến giá thị trường, không gây ách tắc cho các nhà thầu.

Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kiểm soát giá và bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là xăng, dầu, sắt thép.

Các Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, góp phần tạo sự đồng thuận, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; tuyên truyền mô hình hay, cách làm tốt và cả những nơi chưa làm tốt để công tác đầu tư công đạt kết quả cao hơn.

Theo TTXVN