Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc-Nam
01/01/2023 - 15:38
Sáng 1/1 - ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 và và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
AA
Lễ khởi công được triển khai đồng loạt tại 12 điểm cầu, trong đó điểm cầu trung tâm được đặt tại Quảng Ngãi, hai điểm cầu chính được tổ chức tại Quảng Bình, Hậu Giang và 9 điểm cầu phụ khác.
12 dự án có tổng chiều dài 729 km, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h, đi qua 15 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng mức đầu tư khoảng 147 nghìn tỷ đồng.
Cùng dự lễ khởi công tại các điểm cầu có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Ngày 10/1/2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Chỉ 1 tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 và sau đó tiếp tục ban hành Nghị quyết 119 để triển khai Nghị quyết 44 của Quốc hội, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành dự án rất cụ thể.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, 12 dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua.
Nhờ đó, chỉ trong gần 1 năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.
Trong khi đó, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1), đoạn Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành và được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 31/12/2022. Cũng dịp này, 3 đoạn cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe kỹ thuật và sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/4/2023.
Hành lang vận tải quan trọng nhất, là mong mỏi của nhân dân cả nước
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 - 2020, khoảng 1.000 km. Đây là nhiệm vụ khó khăn, song Thủ tướng tin tưởng chúng ta sẽ làm được với kinh nghiệm đã có, cùng quyết tâm, nỗ lực, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
"Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan toả mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh canh quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị mới.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước, trong đó có ưu tiên cho các vùng khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền núi phía bắc. Dự án cũng là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, là mong mỏi lớn của nhân dân ta, có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, xã hội với đất nước, với mọi người dân trên mọi miền cả nước.
Nhà nước đã dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để đầu tư tuyến cao tốc xương sống này, đang đẩy nhanh tiến độ 11 dự án thành phần dài 654 km (quyết định đầu tư năm 2017) và khởi công 12 dự án thành phần dài 729 km (quyết định đầu tư năm 2021).
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
Kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức, như phải sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, trong đó có các nơi đông dân cư, dễ phát sinh khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương; việc thi công khối lượng rất lớn trên nhiều địa bàn khác nhau, trong thời gian không dài và chịu tác động của thời tiết.
Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là: Bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn, tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra; thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh về giá, nguyên vật liệu, nhân lực, thiết kế…
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương.
"Phải xem việc này như việc nhà mình, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm là có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, được nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thừa nhận", Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND 32 tỉnh, thành phố có dự án đi qua phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo, thành lập các tổ công tác để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới mỏ vật liệu.
UBND các tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, nơi canh tác mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ để người dân ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Các nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu. Các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.
Thủ tướng nêu rõ đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công
Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Bộ Giao thông vận tải phát động "Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông"; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động "Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công". Trước đó, ngày 18/11/2022, tại Ninh Bình, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
Thủ tướng khẳng định đầu tư hạ tầng giao thông chiếm tỉ lệ lớn trong đầu tư công - một bộ phận quan trọng của đầu tư toàn xã hội. Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc về thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thành lập và duy trì hoạt động của 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh, giải quyết các vướng mắc quy định liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.
Đến hết ngày 31/12/2022, giải ngân đầu tư công đạt 435.700 tỷ đồng, tuy cao hơn gần 80.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021 nhưng mới đạt 75,11% kế hoạch năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch như đã đề ra trong khi thời gian còn lại của niên độ ngân sách năm 2022 chỉ là 1 tháng, Thủ tướng đề nghị các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, nhân dân và doanh nghiệp cả nước phải quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động để tạo cao trào thi đua giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả thiết thực.
Trong đó, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc tác động đến dự án đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội; làm thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước ngay sau khi có khối lượng.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với kiểm tra, thanh tra, giám sát. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung của Tháng thi đua cao điểm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Thủ tướng trân trọng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và ở các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và Tháng thi đua cao điểm, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho 12 dự án
Trước lễ khởi công, tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, Thủ tướng đã gặp gỡ, động viên một số hộ dân phải nhường mặt bằng để làm đường cao tốc Bắc-Nam phía đông và nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án. Đến nay, các địa phương đã bàn giao khoảng 70% mặt bằng cho 12 dự án.
Theo báo cáo, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) đi qua huyện Mộ Đức dài 10,8 km với 695 hộ dân bị ảnh hưởng, 150 hộ dân phải di dời. Công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai tích cực, quyết liệt, cơ bản đáp ứng tiến độ.
Chia sẻ với Thủ tướng, bà con vui mừng, cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, đồng thời khẳng định rất đồng tình, ủng hộ dự án, bày tỏ phấn khởi, tin tưởng dự án đi qua sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành quan tâm tới các hộ dân phải di dời, tiếp tục quyết liệt triển khai các công việc để dự án sớm hoàn thành.
Ân cần thăm hỏi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được mục tiêu tổng quát, những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chủ động, tích cực thúc đẩy, mở rộng hội nhập và đối ngoại.
Thủ tướng nhấn mạnh kết quả thu ngân sách vượt dự toán 391.000 tỷ đồng, nhờ đó, đất nước có thêm ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có các tuyến đường cao tốc. Đồng thời, ước tính đến hết tháng 12/2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 193.400 tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được những kết quả như trên là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục và cố gắng hơn; trong đó, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm đời sống người dân trong dịp Tết, nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các đối tượng khó khăn, yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, để nhân dân có một cái Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Thủ tướng nêu rõ giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng với các dự án phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định, Đảng, Nhà nước rất thấu hiểu, rất chia sẻ với bà con khi bị ảnh hưởng sinh kế, phải nhường lại nơi ăn ở hàng trăm năm, hàng nghìn năm, nơi chôn rau cắt rốn cho các dự án.
Thủ tướng cảm ơn và bày tỏ vui mừng khi bà con sẵn sàng nhường mặt bằng vì lợi ích của đất nước, của địa phương và của chính người dân nơi có dự án đi qua; mong muốn bà con phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tiếp tục ủng hộ dự án, các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cao tốc.
"Một chủ trương, chính sách được nhân dân ủng hộ tức là ý Đảng hợp lòng dân. Mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta là đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tinh thần là nơi ở mới của bà con ít nhất phải bằng nơi ở cũ và chúng ta phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo HÀ VĂN - NHẬT BẮC(Chính phủ)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: