Tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chuyển tải thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Indonesia.
Quốc hội, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, ổn định, và khả thi, luôn đồng hành và coi sự thành công của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp FDI, là thành công của chính mình - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Indonesia là đối tác quan trọng hàng đầu
Theo Chủ tịch Quốc hội: Ngoài lực lượng lao động đông đảo, có trình độ học vấn và chi phí sản xuất cạnh tranh, Việt Nam đang có 16 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có nhiều hiệp định FTA thế hệ mới (như CPTPP, RCEP, EVFTA…) với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.
Nhấn mạnh Việt Nam luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cấu thành, hữu cơ quan trọng của nền kinh tế và có môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư rất hấp dẫn, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đến nay, Việt Nam đã có 37.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ USD, đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong 20 nước thu hút FDI thành công nhất trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận con số ấn tượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và những kết quả vừa qua trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước,
Theo đó, Indonesia là một đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và hiện tại, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 30 trên toàn thế giới.
Số liệu báo cáo được đề cập tại Diễn đàn, đó là kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14 tỷ USD, sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD được lãnh đạo hai nước đặt ra cho đến năm 2028.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Indonesia. (Ảnh: Doãn Tấn)
Đề cập những nội dung rất quan trọng trong các cuộc hội đàm, trao đổi với lãnh đạo Indonesia vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Lãnh đạo hai bên luôn có nhận thức chung rằng, trong xu thế tái cấu trúc mạnh mẽ dòng thương mại và đầu tư trên quy mô toàn cầu, trong điều kiện thế giới bất ổn và rất khó lường như hiện nay, hai nước Việt Nam và Indonesia rất cần thiết và hoàn toàn có thể tăng cường tạo thuận lợi thương mại cho nhau.
Cụ thể hơn, như Chủ tịch Quốc hội cho biết, hai bên không áp đặt các rào cản thương mại phi thuế quan, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược mà hai bên có thế mạnh để tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Hai bên cũng nỗ lực tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng như năng lượng tái tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp và thủy sản, công nghiệp Halal và du lịch …
Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là chúng ta kiến tạo ra nó. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, tại Diễn đàn này, các doanh nghiệp sẽ trao đổi, tìm hiểu, tận dụng các cơ hội hợp tác và đầu tư vào thị trường của nhau.
Tương lai quan hệ hợp tác Việt Nam-Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác năng động, sáng tạo, hiệu quả của chính các doanh nghiệp hai nước… - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Việt Nam, điểm đến hấp dẫn và an toàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc Đổi mới và Hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Từ một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-xã hội sau chiến tranh, từ năm 1986, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 6%/năm, một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, một điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách quốc tế…
Từ một đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-xã hội sau chiến tranh, từ năm 1986, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 6%/năm, một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, một điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách quốc tế… - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
“Ngay trong thời kỳ khắc nghiệt nhất, khi hầu hết các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương 3%”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 410 tỷ USD, đứng thứ 38 trên thế giới.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 735 tỷ USD, trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% trong năm 2023”.
Việt Nam đã xác định 2 mục tiêu phát triển 100 năm của đất nước: Phấn đấu đến 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu và khát vọng nói trên, Việt Nam xác định nội lực là cơ bản quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực tiềm năng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Indonesia. (Ảnh: Doãn Tấn)
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia đã chứng kiến lễ ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Indonesia.
Chủ tịch Quốc hội và các vị lãnh đạo Indonesia tại Diễn đàn đã chứng kiến Lễ khai trương đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh-Jakarta của Vietjet Air.
Jakarta là đường bay thứ 3 đến với đảo quốc Indonesia mà Vietjet có đường bay thẳng tới. Với 7 chuyến mỗi tuần giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Jakarta bằng tàu bay hiện đại, với chỉ 3 giờ bay mỗi chặng Vietjet nâng tổng số chuyến bay giữa hai nước Việt Nam-Indonesia lên 84 chuyến bay mỗi tuần từ tháng 8 này.
Dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Minh Thông phát biểu chúc mừng Vietjet với sự kiện dấu mốc lịch sử trong hoạt động của hãng, đánh giá cao đường bay mới của Vietjet kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Jakarta trong chuyến thăm chính thức nước bạn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp phần thúc đẩy thương mại đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Indonesia trong thời gian tới.
Đường bay mới của Vietjet sẽ mang đến tác động tích cực cho ngành hàng không và đi lại giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương - Ông Putu Eka Cahyadi, Tổng cục Hàng không dân dụng Indonesia
Ông Putu Eka Cahyadi, Tổng cục Hàng không dân dụng Indonesia, phát biểu tại sự kiện: “Đường bay mới của Vietjet sẽ mang đến tác động tích cực cho ngành hàng không và đi lại giữa hai quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đường bay thẳng mới của Vietjet sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai đại đô thị hàng đầu Đông Nam Á. Chúng tôi bày tỏ sự hoan nghênh và cam kết tiếp tục hỗ trợ những hãng bay tiên phong như Vietjet tăng cường kết nối hàng không giữa Indonesia và Việt Nam”.
Theo thông cáo báo chí của Vietjet, nhân sự kiện quan trọng này, ông Dwi Ananda Wicaksana, Tổng Giám đốc sân bay Soekarno Hatta International Airport của Jakarta đã chúc mừng Vietjet là hãng hàng không mới nhất vận chuyển hành khách đến sân bay Soekarno-Hatta.
“Chúng tôi tin tưởng rằng với dịch vụ hàng không chi phí tốt và chất lượng cao, Vietjet sẽ là sự bổ sung giá trị và tăng kết nối tại cửa ngõ hàng không hàng đầu của Jakarta, tạo thêm lựa chọn bay cho hành khách Indonesia, Việt Nam và quốc tế", ông Dwi Ananda Wicaksana nhấn mạnh.
Theo VĂN CHÚC (Báo Nhân Dân)