Chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. (Nguồn: Vũ Sinh/TTXVN)
Đồng thời đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà quản lý thay đổi lại phương thức sản xuất nhằm phục vụ cho thị trường nội địa lên tới gần 97 triệu dân.
Ông Toản cho biết, mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo đầu người của Việt Nam tăng trưởng hàng năm, năm 2017 đạt khoảng 31 kg/người. Trong thời gian tới khi người dân có mức thu nhập cao hơn, dân số ở nông thôn thay đổi, số người thành thị và có thu nhập cao tăng lên nên sản phẩm thủy sản tiêu thụ sẽ càng ngày đòi hỏi có chất lượng và giá trị cao hơn.
Dự báo mức tiêu thụ thủy sản tại thị trường trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Mức tiêu dùng thủy sản bình quân trên đầu người Việt Nam năm 2020 có khả năng đạt 33-35 kg/người/năm. Bên cạnh đó, hàng năm, Việt Nam đón hơn 13 triệu khách du lịch quốc tế.
"Do vậy, thị trường tiêu thụ thủy sản vẫn là một thị trường đầy tiềm năng mà chúng ta cần quan tâm phát triển hơn nữa"-ông Toản nhấn mạnh.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến thuỷ sản phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa. Cụ thể, ngoài 600 cơ sở chế biến qui mô công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu còn có gần 4.000 cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, các làng nghề chế biến thủy sản mà mỗi năm chế biến được khoảng trên 540.000 tấn sản phẩm với giá trị trên 20.000 tỷ đồng và sử dụng đến 40.000 lao động.
Ngoài ra, tiêu thụ thủy sản nội địa đã góp phần ổn định sản xuất khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trên thị trường thế giới.
"Thực tế cho thấy, các sản phẩm có dán tem truy suất nguồn gốc được tiêu thụ rất lớn. Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, bởi hệ thống ao nuôi, sản xuất của chúng ta còn nhiều vấn đề. Do đó, đây là cơ hội để chúng ta hoàn thiện các khâu sản xuất để phục vụ cho thị trường nội địa có tới 97 triệu dân"-ông Toản nói.
Để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần rà soát, bổ sung, thay thế những chính sách không phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Tăng cường kiểm tra điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn sản phẩm về thực phẩm phù hợp; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cho hoạt động của cơ sở...
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề đến được các thị trường lớn; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường; quản lý chất lượng hàng hoá, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực, cải tiến mẫu mã, bao bì; nhãn mác, thương hiệu, mã số, mã vạch... Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị máy móc tạo ra sản phẩm chất lượng cao và ổn định.
Theo TTXVN/VIETNAM+