Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos tháng 1-2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal K P Sharma Oli và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9 đến 12-5.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Nepal phát triển thuận lợi, đặc biệt là hợp tác kênh đảng; hợp tác kinh tế-thương mại gần đây có nhiều khởi sắc.
Các hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều tiềm năng khi ngày càng có nhiều khách du lịch, phật tử Việt Nam đến Lumbini, nơi sinh của Đức Phật để chiêm bái và thám hiểm dãy núi Everest.
Hai bên ủng hộ lẫn nhau, phối hợp tốt tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc.
Quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp
Việt Nam và Nepal thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15-5-1975 và duy trì mối quan hệ ngày càng tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị cho đến thương mại.
Việt Nam đã có nhiều đoàn thăm và làm việc Nepal: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Phạm Thị Hải Chuyền thăm và dự Đại hội VIII của Đảng CPN-UML (tháng 2-2009); Phó Trưởng Ban Đối ngoại Phạm Xuân Sơn (tháng 3-2010); Phó Trưởng Ban Đối ngoại Nguyễn Huy Tăng (tháng 4-2014); Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi tham dự Đại hội IX Đảng CPN-UML (tháng 7-2014); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (tháng 5-2014), Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình (tháng 11-2017), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội (tháng 3-2019).
Nhiều đoàn của Nepal đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch, Hàng không (tháng 12-2004); Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã (tháng 1-2009); Chánh án Tòa án Tối cao (tháng 11-2009); Bộ trưởng Thương mại (tháng 3-2017). Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Nepal, tiến sỹ Rajesh Kazi Shrestha thăm Việt Nam (tháng 4-2018).
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos (tháng 1-2019).
Bên cạnh tăng cường trao đổi các phái đoàn chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn doanh nghiệp, ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ giữa hiệp hội thương mại hai nước.
Các hoạt động này góp phần thúc đẩy và gắn kết hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại Nepal-Việt Nam. Điều này tạo ra cơ hội và tiền đề vững vàng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động thương mại và kinh doanh, thiết lập thêm nhiều mối quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước.
Qua 44 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Việt Nam đã viện trợ cho Nepal 50.000 USD để khắc phục hậu quả vụ động đất năm 2015.
Nepal cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam trong công tác bảo hộ cứu trợ công dân. Hai bên đang thúc đẩy ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; đồng thời lập cơ chế tham vấn song phương giữa hai Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos tháng 1-2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Hội Hữu nghị Việt Nam-Nepal được thành lập tháng 9-2014. Lãnh sự danh sự Việt Nam tại Kathmandu được lập tháng 10-2016.
Trong lĩnh vực hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước ủng hộ nhau, phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nepal đã ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường (tháng 10-2014), ứng cử vào Hội đồng nhân quyền (tháng 11-2013), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam ủng hộ Nepal vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2020. Nepal cũng là nước tham gia thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở (AIIB).
Hợp tác kinh tế thương mại còn khiêm tốn
Đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Nepal còn rất khiêm tốn. Tính đến tháng 9-2018, kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt khoảng 38 triệu USD (năm 2017 đạt 47 triệu USD). trong đó Việt Nam xuất siêu các mặt hàng hạt tiêu, các sản phẩm chất dẻo; nhập khẩu với số lượng rất ít nguyên liệu dệt may, da và giày.
Hiện Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel đang nghiên cứu khả năng đầu tư viễn thông vào Nepal.
Vào tháng 4-2018, Nepal đã cử một đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh doanh và tham dự Hội chợ Expo 2018 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-14-4-2018.
Các doanh nhân Nepal trong Đoàn bày tỏ mong muốn được trở lại Việt Nam nhiều lần nữa để khám phá những sản phẩm mới, tìm kiếm cơ hội làm ăn.
Trong chuyến thăm, Phòng Thương mại Nepal, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác tổ chức, chia sẻ thông tin, thúc đẩy các hoạt động thương mại.
Tại Hội chợ Expo 2018, các doanh nghiệp Nepal đã trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của Nepal: tranh thêu nghệ thuật Thanka, khăn lụa Cashmere, một số tượng và các mặt hàng nghi lễ, đồ thủ công mỹ nghệ...
Nepal là một quốc gia không giáp biển ở khu vực Nam Á, giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và với Ấn Độ ở phía Nam, phía Đông và phía Tây.
Nepal có một khu vực địa lý đa dạng, bao gồm vùng đồng bằng màu mỡ, những ngọn núi cao và có 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới. Đỉnh Everest cao nhất thế giới nằm ở Nepal, bởi thế, Nepal là một điểm đến cực kỳ hấp dẫn cho những người leo núi và du khách tìm kiếm các cuộc phiêu lưu.
Các di sản Hindu và Phật giáo của Nepal cộng với thời tiết mát mẻ cũng là điểm thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Nepal còn có di sản thế giới Lumbini, nơi sinh của Đức Phật và những di sản thế giới khác, các địa điểm hành hương tôn giáo quan trọng trong cả nước.
Phần lớn du khách Việt Nam đến Nepal đều đến thăm Lumbini và tham gia các hoạt động du lịch văn hóa và tâm linh, du lịch mạo hiểm khác như leo núi... Điều này góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa Việt Nam-Nepal cũng như sự kết nối giữa người dân hai đất nước trong tương lai.
Theo THU PHƯƠNG (TTXVN/Vietnam+)