Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (trái) chủ trì Họp báo về Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: Hoàng Việt/TTXVN
Vững vàng ứng phó với COVID-19
Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong quá trình tổ chức Hội Cấp cao ASEAN lần thứ 36 bằng hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Khối ASEAN từ lâu đã có mong muốn tăng cường các cuộc họp trực tuyến để giảm bớt việc đi lại và chi phí tổ chức, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng về mặt kỹ thuật nhưng điều này vẫn chưa thực hiện được. Năm 2020, dịch COVID-19 buộc các thành viên phải họp trực tuyến và việc này đã được triển khai hiệu quả. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, phương tiện kỹ thuật hiện nay rất hiện đại, tạo điều kiện tổ chức một cuộc họp không khác gì họp trực tiếp, vẫn có quá trình trao đổi ý kiến thuận lợi.
Về mặt khó khăn, đó là thời gian, “Các nước ASEAN họp với nhau thời gian chỉ lệch nhau 1 - 1,5 tiếng. Nhưng nếu họp với các đối tác khác thì rất khó. Sắp tới, ASEAN sẽ có các cuộc họp trong khuôn khổ cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) với thành viên lên tới 27 nước và liên quan đến Bắc Mỹ cho đến tận châu Úc. Thời gian xác định được rất khó, có khu vực vào sáng sớm, có khu vực vào tối muộn, đêm. Do vậy, việc xác định thời gian họp phù hợp là rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng cho rằng, họp trực tuyến phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật. Không chỉ đường truyền kỹ thuật của nước chủ trì là quan trọng, các đầu cầu khác cũng phải có công nghệ khá tốt, nếu không sẽ không nghe được.
Đánh giá về chủ đề của Năm ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” trong bối cảnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Khi Việt Nam đưa ra chủ đề này, thế giới chưa có COVID-19. Việt Nam nhận thấy, vào thời điểm hiện nay, ưu tiên lớn nhất của ASEAN là đoàn kết, gắn bó với nhau. Sự gắn kết là bắt buộc, tất yếu cho thành công của Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là khi Cộng đồng muốn thành công hơn nữa trong môi trường đang biến đổi mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất gay gắt; cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những điều này đặt ra thách thức rất mới cho ASEAN và cho từng quốc gia. Do vậy, việc chủ động thích ứng với tình hình đang thay đổi là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh dịch COVID-19, chủ đề được đặt ra rất đúng. Trong 6 tháng qua, hợp tác ASEAN theo tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng, đã giúp cho ASEAN vững vàng và ứng phó, là một trong những hình mẫu của thế giới về ứng phó với dịch COVID-19.
ASEAN đoàn kết vượt qua thách thức
Nhận định về những thách thức trong phát triển kinh tế nội khối, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, so với các tổ chức khác như Liên minh châu Âu, giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp, thương mại nội khối chỉ hơn 20%. ASEAN muốn tăng nội khối nhưng thực tế do cơ cấu hàng hóa, tập quán làm ăn với các nước đối tác nên hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài nhiều hơn là với nhau. Các nhà lãnh đạo thấy rằng phải tìm mọi cách thúc đẩy phát triển kinh tế nội khối.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, dịch COVID-19 là lời cảnh tỉnh, giúp các nước phải nghĩ đến việc tận dụng thị trường của nước mình và khối mà mình tham gia. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường hợp tác, chia sẻ, phải có nhiều biện pháp chung khác như vấn đề thuế quan, hàng rào phi quan thuế, bảo hộ. Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích doanh nghiệp của mỗi nước nên không đơn giản. Việc này không thể làm được ngay nhưng sẽ có những chuyển động theo hướng tăng cường giao dịch nội khối.
Về vấn đề dịch chuyển lao động, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN lạc quan về sự hợp tác khuôn khổ pháp lý, thỏa thuận trong nội khối, bảo đảm đầy đủ để dịch chuyển lao động. Tuy nhiên, công tác triển khai còn phụ thuộc vào năng lực từng nước, từng đối tượng lao động, công việc cụ thể. Cho biết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là ưu tiên của ASEAN và các đối tác cùng tham gia thương lượng về RCEP. Hiện nay, có 15 nước cơ bản đàm phán xong Hiệp định RCEP, chỉ có Ấn Độ đang tạm thời rút khỏi đàm phán. Với mong muốn Ấn Độ sẽ tham gia cùng các nước khác, các cuộc đàm phán đang mở cửa, đồng thời tính đến các nội dung làm sao đáp ứng thêm các yêu cầu của phía Ấn Độ để Ấn Độ có thể tham gia. “Hy vọng như vậy nhưng chúng tôi không dám chắc từ nay đến cuối năm, phía Ấn Độ có thể thay đổi thái độ. Các nước còn lại rất quyết tâm để có thể ký Hiệp định trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho hay.
Đánh giá về những thách thức của ASEAN đối với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa các nước lớn với nhau đang ngày càng căng thẳng, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Điều này tạo nên sự căng thẳng chung cho cả thế giới, gây khó khăn trong ứng xử cho cả thế giới, không riêng ASEAN. Đây cũng là thách thức cho ASEAN, đặt ra vấn đề chia rẽ nhất định trong quan điểm các nước, đặt ra nguy cơ các nước có thể chọn bên. Tuy nhiên, ASEAN xác định không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN.
Với quan điểm rõ ràng như vậy, ASEAN có lập trường riêng của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Điển hình là với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN đã đưa ra văn kiện về “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để khẳng định lập trường riêng của ASEAN về khu vực, các nguyên tắc của ASEAN. Đây là cách ASEAN giữ vai trò trung tâm của khu vực.
“Tôi tin rằng tinh thần đó sẽ tiếp tục được thể hiện ở hội nghị cấp cao sắp tới cũng như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11/2020”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ.
Theo PHƯƠNG PHƯƠNG (Báo Tin Tức)