Thực hành nông nghiệp tốt để sản phẩm tiêu thụ mạnh

18/06/2019 - 08:13

 - Đó là khẳng định của nông dân lẫn doanh nghiệp, nhà quản lý trong bối cảnh nông sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt với nông sản các quốc gia phát triển. Nếu áp dụng tiêu chuẩn này vào sản xuất, sản phẩm sẽ tạo được niềm tin của người tiêu dùng mà chất lượng cũng đảm bảo.

Tạo được niềm tin

Nhận thức một cách đầy đủ tầm quan trọng của thực hành nông nghiệp nghiệp tốt (Good Agricultural Practices for crop production - GAP) trên lĩnh vực trồng trọt, trước hết phải kể đến các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh, đi đầu là HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi, HTX Long Bình, Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi, HTX Trái cây GAP Chợ Mới... Từ chỗ áp dụng và thực hành tiêu chuẩn VietGAP trên cây xoài, đến nay sản phẩm của các đơn vị trên đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng tại các quốc gia phát triển như: Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan… Từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ 12,8 tấn xoài, trong đó 9,4 tấn xoài tượng xanh của HTX Trái cây GAP Chợ Mới và 2,4 tấn xoài keo của HTXNN Long Bình (xã Khánh Bình, An Phú). Mới đây, tỉnh tiếp tục xuất thêm 1 tấn xoài cát Hòa Lộc của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn).

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu ký biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, tiêu thụ xoài

“Trong kinh doanh, tạo được niềm tin cho khách hàng là điều hết sức quan trọng. Để làm được điều đó, chúng tôi ý thức rằng, trái xoài của mình phải thực sự ngon, chất lượng và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, HTXNN Long Bình mạnh dạn vận động thành viên nhanh chóng tiếp cận với quy trình sản xuất xoài VietGAP hay còn gọi là thực hành nông nghiệp tốt trên cây xoài xuất khẩu. Đến nay, đa phần thành viên trong HTX đã trang bị kiến thức này và đang áp dụng một cách nghiêm ngặt cho sản phẩm xoài của HTX”- Giám đốc HTXNN Long Bình Huỳnh Thanh Minh thông tin.

Chất lượng đảm bảo

HTXNN Long Bình có diện tích sản xuất 600ha, trong đó có 400ha đang thu hoạch và 200ha chuẩn bị cho trái. Thời gian qua, nhờ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, trái xoài của HTXNN Long Bình đã xuất sang nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Theo nhiều nông dân nơi đây, kể từ khi bà con được tập huấn tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận, tất cả đều sản xuất theo quy trình này, từ đó trái xoài của nông dân trong HTX rất an toàn cho người tiêu dùng.

Nhiều nông dân áp dụng thực hành nông nghiệp tốt để sản phẩm bán có giá trên thị trường.

“Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong khu vực vườn, người trồng phải trang bị sổ tay chất lượng (nhật ký canh tác), phải có nhà vệ sinh tự hoại và không nuôi gia súc, gia cầm; phải có nơi xử lý rác sinh hoạt, nơi bảo quản các vỏ chai thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; phải có tủ y tế. Ngoài ra, nông dân tuyệt đối không được sử dụng 6 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía USDA cấm sử dụng, trong đó có 3 hoạt chất trị bệnh và 3 hoạt chất thuốc trừ sâu” - ông Minh thông tin thêm. Theo đó, 6 hoạt chất mà các nhà nhập khẩu yêu cầu nông dân trồng xoài xuất khẩu không sử dụng là: Acetamiprid, Cypermethrin, Carbendazim, Permethrine, Azoxystrobin, Difenoconazole. Ngoài việc không sử dụng 6 hoạt chất trên, trái xoài xuất khẩu phải được bao lại để tránh thiên địch xâm hại, đồng thời cách ly từ 7-14 ngày trước khi thu hoạch. An Giang có thế mạnh trong phát triển cây xoài xuất khẩu, diện tích trồng xoài tăng dần từ năm 2013 đến nay. Cụ thể, năm 2013, diện tích trồng xoài của tỉnh 4.664ha, năm 2016 là 7.679ha và năm 2018 đạt 9.603ha. Hiện toàn tỉnh có trên 40.000 hộ nông dân đang tham gia trồng xoài. Đây là lợi thế rất lớn để sản phẩm xoài của tỉnh phát triển. Nếu xoài nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung không sạch thì khó tiêu thụ, bởi thế giới hiện nay đang chuyển từ “ăn no sang ăn ngon”, chất lượng phải đảm bảo và an toàn cho người tiêu dùng.

“Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp, các quốc gia phát triển quay lại đầu tư cho nông nghiệp, động thái này làm cho sản phẩm nông dân trong tỉnh phải cạnh tranh gay gắt với nông sản cùng loại của các quốc gia nhập khẩu. Để tạo được niềm tin cho người tiêu dùng thì chất lượng phải đảm bảo. Muốn vậy, không có con đường nào khác là phải sản xuất sạch, an toàn để sản phẩm dễ tiêu thụ” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm kêu gọi.

Bài, ảnh: MINH HIỂN