Trong quan niệm của Người, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ nhằm giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định. Mục đích của tiết kiệm là để tích lũy tiền của, thời gian, công sức cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống của nhân dân. Bác đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ và tiết kiệm tiền của.
Những năm qua, Đảng và nhà nước ta xác định, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương nhất quán, lâu dài, một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đất nước, địa phương. Đây cũng chính là yêu cầu khách quan trong vận hành đời sống kinh tế - xã hội (KTXH) và là một giải pháp thiết thực góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tích lũy phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện lời Bác Hồ kính yêu dạy, với mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và đưa công tác này đi vào thực chất với những kết quả cụ thể. Theo đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 774 về Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH năm 2020 và tạo cơ sở để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với các chỉ tiêu chủ yếu về KTXH, môi trường đề ra và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm tại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhà nước; xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực. Nhất là gắn với các hoạt động phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, năm 2020, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được HĐND thông qua. Trong đó, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để tạo nguồn cải cách tiền lương.
Đồng thời, giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài… Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương...
Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19 ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015. Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công...
Thông qua việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm góp phần tăng cường nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và các nhiệm vụ đã đề ra.
THU THẢO